Người dân Sudan mắc kẹt giữa vòng vây lửa đạn
Nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn mới trong cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự đối đầu một lần nữa thất bại bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đẩy cuộc sống hàng triệu người dân quốc gia châu Phi nghèo khó này vào cảnh bấp bênh giữa hai làn đạn.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ, do các nước muốn sơ tán công dân của họ ở Sudan vận động, được cho là có hiệu lực từ lúc 18h ngày 19/4 (giờ địa phương). Hai bên xung đột ở Sudan gồm quân đội và nhóm bán quân sự mang tên Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đều nhất trí ngưng khai hỏa vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, các vụ đụng độ vẫn được ghi nhận trong chiều muộn 19 và ngày 20/4 ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm thủ đô Khartoum.
Theo Al Jazeera, tiếng súng nổ đã vang lên xung quanh khu nhà bộ chỉ huy quân sự, nơi tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo quân đội Sudan, từng ở hồi đầu tuần. Không rõ liệu ông al-Burhan còn ở đó hay không. "Các lực lượng vũ trang đang đáp trả một cuộc tấn công mới ở khu vực lân cận Bộ Tư lệnh", một tuyên bố của quân đội Sudan xác nhận.
Tại khu phố Jabra phía Tây Khartoum, nơi chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo và gia đình sinh sống, một cuộc đấu súng ác liệt đã nổ ra. Vị trí của tướng Dagalo không được tiết lộ. Tiếng nổ cũng vang lên từ sân bay Khartoum, vốn đã ngừng hoạt động sau khi xung đột nổ ra do tranh giành quyền lực giữa tướng al-Burhan và tướng Dagalo, liên quan đến bất đồng về kế hoạch hợp nhất lực lượng RSF vào quân đội chính quy từ ngày 15/4.
Quân đội Sudan những ngày qua khẳng định, RSF khơi mào giao tranh bằng việc phát động tấn công trước vào các trụ sở của quân đội, còn RSF cáo buộc lực lượng vũ trang chính quy gây hấn khi cố gắng bao vây bất ngờ một căn cứ của lực lượng này ở phía Nam Khartoum. Cộng đồng quốc tế đã cố gắng dàn xếp ngừng bắn ở Sudan ít nhất hai lần trong vòng 5 ngày vừa qua nhưng đều thất bại. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến ngày 20/4 cho thấy, ít nhất 296 người đã thiệt mạng và 3.000 người bị thương do đụng độ.
Cộng đồng quốc tế và nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình có thể leo thang thành nội chiến, với thủ đô Khartoum, nơi sinh sống của hơn 5 triệu người, là chiến trường chính, nếu căng thẳng không nhanh chóng hạ nhiệt. Mắc kẹt giữa lửa đạn của hai lực lượng đối đầu trung thành với hai vị tướng Dagalo và al_Burhan, cuộc sống của người dân Sudan ngày một nguy hiểm và bế tắc. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (LHQ), trước khi xung đột nổ ra, gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của quốc gia châu Phi nghèo khó này cần viện trợ nhân đạo, trong đó khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Chiến sự bùng phát khiến các nỗ lực phân phối hàng cứu trợ đình trệ, trong khi nhiều lô hàng nhân đạo bị cướp phá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/4 đã liệt kê ít nhất 16 bệnh viện trên khắp Sudan buộc phải đóng cửa do các cuộc tấn công, một số khác dừng hoạt động vì không có thiết bị, thuốc men. Ở thủ đô Khartoum, giao thông công cộng không còn hoạt động, điện và các kênh liên lạc chính đều bị ngắt. Những ngày qua, nhiều gia đình lựa chọn sơ tán bằng cách đi bộ dọc sông Nile lên phía Bắc tới Ai Cập hoặc về khu vực phía Nam với hi vọng tìm nơi trú ẩn an toàn.
Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk cho biết: "Hàng nghìn người dân mắc kẹt trong nhà của họ, không có điện, không thể mạo hiểm ra ngoài và lo sợ về việc hết thức ăn, nước uống và thuốc men". Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách sơ tán công dân nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Đức mới đây cử 3 máy bay đến Sudan nhưng hủy kế hoạch vì không đủ an toàn; còn Mỹ kêu gọi công dân tìm nơi trú ẩn. Theo New York Times, có khoảng 19.000 người mang quốc tịch Mỹ đang mắc kẹt trên lãnh thổ Sudan. Trong diễn biến nhận được nhiều kì vọng của quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đưa hai bên xung đột trở lại bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara trông đợi quân đội Sudan và lực lượng RSF có thể đạt lệnh ngừng bắn trước lễ Eid al-Fitr đánh dấu thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Cùng lúc đó, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric xác nhận Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ thảo luận về xung đột Sudan với đại diện Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả Rập (AL) và các tổ chức liên quan khác.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên đối đầu khẩn trương ngừng bắn, coi diễn biến hiện nay là yếu tố đe dọa an toàn và an ninh của người dân Sudan cũng như sự thống nhất và ổn định của đất nước. EU đồng thời cảnh báo chiến sự sẽ làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi sang chính phủ dân sự, có nguy cơ gây mất ổn định khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune kêu gọi cách tiếp cận quốc tế thống nhất để chấm dứt xung đột vũ trang ở Sudan. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shourky trước đó nhấn mạnh các nước cần cân nhắc kĩ bất cứ can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột Sudan để không làm trầm trọng thêm tình hình.