Người biểu tình tràn vào dinh thự, Tổng thống Sri Lanka phải chạy trốn

Thứ Bảy, 09/07/2022, 17:33

Hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Colombo của Sri Lanka đã xông vào dinh thự của Tổng thống ngày 9/7 trong bối cảnh người dân ngày càng giận dữ về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua tại nước này.

  • Sri Lanka: Người biểu tình tràn vào dinh tự Tổng thống, cảnh sát bất lực  - 0

  • Sri Lanka: Người biểu tình tràn vào dinh tự Tổng thống, cảnh sát bất lực  - 1

  • Sri Lanka: Người biểu tình tràn vào dinh tự Tổng thống, cảnh sát bất lực  - 2

  • Sri Lanka: Người biểu tình tràn vào dinh tự Tổng thống, cảnh sát bất lực  - 3

  • Sri Lanka: Người biểu tình tràn vào dinh tự Tổng thống, cảnh sát bất lực  - 4

    Bất ổn trên đường phố và nhiều khu vực tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh Reuters. 

..

Một đoạn video phát trên kênh truyền hình địa phương NewsFirst cho thấy nhiều người biểu tình cầm cờ Sri Lanka và mũ bảo hiểm xông vào dinh thự của Tổng thống. Hàng nghìn người cũng đã phá cổng Văn phòng thư ký Tổng thống và Bộ Tài chính.

Các nhân viên quân sự và cảnh sát tại cả hai địa điểm trên đã không thể kiềm chế đám đông. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã phải bỏ trốn sau khi đám đông biểu tình xông vào dinh thự. “Tổng thống đã được hộ tống đến nơi an toàn”, một nguồn tin quốc phòng Sri Lanka cho biết, nói thêm rằng quân đội phải bắn chỉ thiên nhằm ngăn hàng nghìn người giận dữ tràn vào phủ Tổng thống ở thủ đô Colombo.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 9/7 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình và đi đến một giải pháp nhanh chóng, văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố. Thủ tướng cũng đã yêu cầu triệu tập Quốc hội. Thủ tướng Wickremesinghe cũng đã được chuyển đến một địa điểm an toàn.

Ít nhất 39 người, trong đó có hai cảnh sát bị thương và phải nhập viện trong các cuộc biểu tình.

Quốc đảo 22 triệu dân này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngoại hối trầm trọng khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc thiết yếu bị hạn chế, khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.

Lạm phát tăng vọt, ở mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến ​​sẽ đạt 70% trong những tháng tới, đã khiến cuộc sống người dân trở nên khốn khó.

Bất ổn chính trị có thể gây khó khăn cho các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm tìm kiếm khoản cứu trợ 3 tỷ USD, cơ cấu lại một số khoản nợ nước ngoài và huy động vốn từ các nguồn đa phương và song phương để giảm bớt tình trạng “hạn hán đồng USD”.

Cuộc khủng hoảng xảy ra sau khi COVID-19 tác động vào nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch của nước này và cắt giảm lượng tiền gửi về từ người lao động nước ngoài, cũng như sự tích tụ nợ lớn của chính phủ, giá dầu tăng và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học vào năm ngoái đã tàn phá nền nông nghiệp. Lệnh cấm phân bón đã được dỡ bỏ vào tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tình hình khủng hoảng hiện nay là do sự quản lý kinh tế yếu kém của Tổng thống Rajapaksa. Các cuộc biểu tình ôn hòa lớn yêu cầu ông từ chức đã nổ ra kể từ tháng 3.

Bất chấp tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng đã khiến các dịch vụ vận tải bị đình trệ, những người biểu tình đã bắt xe buýt, xe lửa và xe tải từ nhiều vùng của đất nước để đến Colombo để phản đối việc chính phủ không bảo vệ họ trước những khó khăn kinh tế.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.