Ngoại trưởng Lavrov tố EU và NATO tạo liên minh chống Nga

Thứ Bảy, 25/06/2022, 07:11

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không coi việc Ukraine tiến gần hơn mục tiêu gia nhập EU là mối đe dọa, nhưng chỉ trích EU và NATO đang tập hợp thành liên minh chống Nga.

Bình luận về việc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới đây trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 24/6 khẳng định đó không phải mối đe dọa với Nga vì EU không phải một tổ chức quân sự, RiaNovosti đưa tin.

Ngoại trưởng Lavrov tố EU và NATO tạo liên minh chống Nga -0
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng EU và NATO "đang tập hợp trong cùng liên minh" chống lại Nga. "Chúng tôi sẽ xem xét điều đó một cách kĩ lưỡng", ông Lavrov phát biểu.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng việc EU cân nhắc kết nạp Ukraine và Moldova là "chuyện nội bộ của châu Âu" nên Moscow không có lí do gì để can dự.

"Điều quan trọng với Nga là tất cả tiến trình này không tạo ra những vấn đề cho nước Nga hoặc những vấn đề mới trong quan hệ giữa chúng tôi với các nước châu Âu", ông Peskov nêu quan điểm.

Khi chiến sự Ukraine mới nổ ra, Nga từng gợi ý Kiev theo đuổi mô hình trung lập của Áo và Thụy Điển, tức có thể gia nhập EU nhưng không tham gia các liên minh quân sự, bao gồm NATO. Gợi ý đó được đưa ra hồi tháng 3/2022, trước thời điểm Thụy Điển từ bỏ trung lập để xin vào NATO.

Ukraine hiện chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ sớm xin gia nhập NATO. Về câu chuyện tư cách thành viên EU, các chuyên gia khẳng định việc EU cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine chỉ là bước khởi đầu và Kiev cần nỗ lực rất nhiều năm nữa mới có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe của liên minh.

Ukraine dự kiến sẽ sớm nhận được một danh sách yêu cầu liên quan đến cải cách kinh tế, tư pháp, giải quyết tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác về chính sách theo bộ Tiêu chuẩn Copenhagen, trước khi họ có thể chuyển sang giai đoạn đàm phán gia nhập chính thức.

Bất cứ quốc gia ứng viên nào cũng chỉ được công nhận đạt một chương mục của bộ Tiêu chuẩn Copenhagen nếu toàn bộ thành viên EU thông qua.

Với mỗi ứng viên, quãng thời gian đó là khác nhau. Ví dụ, Slovakia nhận được tư cách ứng cử viên năm 1999 và trở thành thành viên EU sau 5 năm. Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn gia nhập năm 1987, được cấp tư cách ứng viên năm 1999, nhưng đến nay chưa phải thành viên.

Thái Hà
.
.
.