Nghi vấn đường ống Nord Stream bị phá hoại

Thứ Ba, 27/09/2022, 21:24

Châu Âu đang khẩn trương điều tra việc hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ một cách bí ẩn và bất ngờ tại khu vực biển Baltic, làm dấy lên lo ngại về việc đường ống quan trọng này bị phá hoại trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề năng lượng tại khu vực. 

Nghi vấn đường ống Nord Stream bị phá hoại giữa căng thẳng Nga-châu Âu -0
Khí bị rò rỉ làm xáo trộn mặt biển. Ảnh Reuters. 

Cơ quan Hàng hải Thụy Điển ngày 27/9 đưa ra cảnh báo về hai chỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1, không lâu sau khi phát hiện chỗ rò rỉ đường ống Nord Stream 2, khiến Đan Mạch phải hạn chế vận chuyển và áp đặt một vùng cấm bay nhỏ. Cả hai đường ống vẫn có khí đốt mặc dù đã ngừng hoạt động.

Trước đó, lực lượng vũ trang Đan Mạch đăng tải video cho thấy bọt nước xuất hiện trên mặt biển ở khu vực đường ống Nord Stream 2 chạy qua. Đây là vụ rò rỉ khí lớn nhất từng được nước này ghi nhận, gây ra sự xáo trộn bề mặt trên biển có đường kính đến 1 km.

Cơ quan chức năng Đan Mạch cho biết chỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 rất lớn và có thể mất ít nhất một tuần mới có thể khắc phục. Tàu đi qua khu vực bị ảnh hưởng có thể bị mất sức nổi. Ngoài ra, với việc nhiều khí metan bị rò rỉ, khu vực này có nguy cơ cao xảy ra nổ.

Nord Stream AG, đơn vị vận hành hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2, ngày 27/9 cho biết: “Việc 3 vị trí bị hư hại cùng một ngày trên các đường ống dẫn khí trong hệ thống Nord Stream là điều chưa từng xảy ra. Hiện không thể ước tính thời gian khôi phục vận chuyển khí đốt qua hạ tầng này”.

Hiện vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream mà cả Nga và châu Âu đã đổ hàng tỷ USD để xây dựng.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng đây là một “hành vi phá hoại" trong khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết không thể loại trừ khả năng này. Đức cho biết nước này đã mở cuộc điều tra. 

Đường ống Nord Stream là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng ngày càng leo thang giữa châu Âu và Nga, khiến giá khí đốt tăng vọt và buộc nhiều nước phải “săn lùng” các nguồn năng lượng thay thế. Châu Âu cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2. Moscow nhiều lần bác bỏ, cho rằng những lệnh trừng phạt từ phương Tây và các sự cố kỹ thuật khiến nguồn cung gián đoạn.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.