Ngành sản xuất máy bay toàn cầu hứng thêm cú sốc
Khoảng 33.000 công nhân tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing tiến hành cuộc đình công quy mô lớn nhất từ 2008, giáng đòn vào nền kinh tế Mỹ cũng như ngành hàng không dân dụng toàn cầu.
New York Times cho biết, gần 33.000 thành viên công đoàn IAM (Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế) làm việc cho Boeing tại Mỹ từ ngày 13/9 (giờ Mỹ) bắt đầu cuộc đình công quy mô lớn, khiến hoạt động sản xuất tại nhà máy chính của hãng ở Seattle (tiểu bang Washington) đình trệ.
Boeing có vai trò rất quan trọng với Mỹ với khoản đóng góp hàng năm cho nền kinh tế Mỹ lên đến 79 tỷ USD, theo CNN. Hãng hiện có khoảng 150.000 người lao động trên khắp cả nước, trong đó một nửa làm việc tại các cơ sở ở tiểu bang Washington bên bờ Thái Bình Dương.
Ngoài vụ đình công ở Seattle, một nhóm công nhân Boeing làm việc ở Portland (cũng thuộc một nhánh khác của cong đoàn IAM) tại tiểu bang Oregon cũng dừng làm việc, dấy lên nguy cơ các cuộc đình công tương tự sẽ diễn ra tại nhiều khu vực khác, New York Times thông tin.
Các cuộc đình công bắt nguồn từ việc công nhân không hài lòng với phúc lợi trong thỏa thuận sơ bộ mà đại diện IAM đạt được với Boeing, trong đó, Boeing chỉ đồng ý tăng 25% lương cho công nhân trong vòng 4 năm theo hợp đồng lao động có thời hạn tương ứng kèm một khoản thưởng cố định 3000 USD; thay vì tăng lương 40% như yêu cầu của người lao động.
Phần lớn công nhân Boeing không được tăng lương những năm gần đây, một số bị cắt lương và thưởng, trong bối cảnh Boeing báo lỗ liên tiếp từ năm 2018 do vướng phải các vụ tai nạn nghiêm trọng với dòng Boeing 737 MAX, buộc hãng phải ngừng giao hàng và khắc phục các lỗi thiết kế.
Đây là lần đầu tiên người lao động Boeing đình công kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. "Chúng tôi cần sự tôn trọng, cần giải quyết các vấn đề trong quá khứ và đấu tranh cho tương lai của mình", Jon Holden, một lãnh đạo tại IAM phát biểu, CNN dẫn lời. "Chúng tôi đã trải qua một giai đoạn 10 năm với mức lương trì trệ".
Theo CNN, các công nhân dường như thêm phần bực bội và đi đến quyết định đình công vì Boeing đầu năm nay thông báo quyết định tăng lương cho cựu Giám đốc điều hành (CEO) Boeing David Calhoun thêm 45%, lên mức 33 triệu USD trong năm 2023, ngay trước khi ông rời ghế vào tháng 8/2024 vừa qua.
Chưa rõ cuộc đình công sẽ kéo dài tới khi nào. Tân CEO Boeing Kelly Ortberg, người vừa nhậm chức được vài tuần, cam kết sẽ giải quyết khúc mắc của người lao động.
Tuy nhiên, hãng này hiện vẫn đang đối mặt với khoản nợ 60 tỷ USD chưa biết khi nào mới trả xong. Nếu các cuộc đình công không sớm kết thúc, tình trạng tài chính của Boeing sẽ ngày một tồi tệ hơn do họ buộc phải giao hàng chậm và đối diện với các khoản phạt hợp đồng.
Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời các chuyên gia lo ngại cuộc đình công đầu tiên trong 16 năm ở Boeing có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt máy bay phản lực thương mại toàn cầu, vốn đang chật vật trở lại quỹ đạo sau khi hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 (nhu cầu bay giảm, hoạt động chế tạo máy bay giảm do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn).
Theo dữ liệu của hãng tư vấn Cirium được Reuters trích dẫn, năm 2010, độ tuổi sử dụng trung bình của máy bay chở khách thương mại phản lực (loại phổ biến có một lối đi ở giữa khoang hành khách) là 10,2 năm. Vào thời kì COVID-19, độ tuổi của đội bay chở khách toàn cầu giảm xuống 9,1 năm và hiện tăng lên 11,3 năm.
Việc các hãng hàng không thiếu máy bay để vận hành là nguyên nhân chính khiến giá máy bay tăng cao thời gian qua, đồng thời buộc các hãng bay phải gia tăng thời gian sử dụng những chiếc máy bay cũ.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, giá vé tăng sẽ chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các hãng hàng không. "Khi giá vé tăng, lượng khách hàng sẽ giảm", nhà kinh tế hàng không Adam Pilarski, lãnh đạo tổ chức tư vấn AVITAS nhấn mạnh.