Nga ứng phó “hiệu quả” trước các biện pháp trừng phạt

Thứ Bảy, 11/02/2023, 08:10

Phát biểu hôm 9/2 (giờ địa phương) tại cuộc họp của Ban giám sát Cơ quan sáng kiến chiến lược, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận các ngành công nghiệp của nước này không thể tránh khỏi việc đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, họ đã ứng phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực kinh tế một cách “hiệu quả”, điều này đã gây bất ngờ cho nhiều nước đã liên tục gây ra những khó khăn cho Nga.

Tổng thống Vladimir Putin chỉ ra rằng, kết quả là hệ thống tài chính, tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ đều hoạt động trơn tru và không bị gián đoạn. Ông nhấn mạnh điều đó cho thấy Nga không chỉ đối phó với mọi cú sốc, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế khi xét đến mọi chỉ số trong năm nay.

Tổng thống Vladimir Putin còn cho rằng, các thương hiệu trên toàn cầu đang chịu tổn thất nặng nề sau khi đồng loạt rút khỏi thị trường Nga. Ông nhấn mạnh việc rời khỏi thị trường Nga do áp lực từ chính phủ của họ, đồng nghĩa với việc đánh mất thị trường này, nên họ chịu tổn thất lớn. Ông cũng lưu ý rằng các thương hiệu quốc tế rút khỏi Nga nhưng đã để lại cơ sở hạ tầng và nhân viên được đào tạo bài bản, trong khi các công ty và doanh nhân trong nước có thể tiếp nhận các doanh nghiệp này, theo đó có những cơ hội đặc biệt để phát triển.

Theo người đứng đầu nước Nga, các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động kinh doanh.

Nga ứng phó “hiệu quả” trước các biện pháp trừng phạt -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân, vượt cả Iran, Syria và Triều Tiên. Đến giữa tháng 5/2022, khoảng cách giữa Nga và Iran về số lượng người trong danh sách trừng phạt của các nước phương Tây và đồng minh của họ đã tăng gần gấp đôi. Ủy viên châu Âu Virginijus Sinkevicius cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đến “giới hạn” và bây giờ điều quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp trừng phạt đó. Quan chức này lưu ý rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga “không thể có thêm bất kỳ sự đổi mới, sáng kiến nào”. Theo ông, một trong những bước quan trọng nhất là từ chối cung cấp khí đốt của Nga ở châu Âu. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) Ivan Timofeev nêu rõ, tất cả các biện pháp hạn chế có thể đã được áp dụng. Tuy nhiên, ông cho rằng, điều này không có nghĩa là các công cụ đã hết và những người khởi xướng các hạn chế không còn dư địa để mở rộng. Vị chuyên gia nói: “Đơn giản là việc mở rộng sẽ không phải bằng các công cụ, mà là lấp đầy những công cụ này”.

Mặc dù phương Tây đang làm mọi cách để khiến nền kinh tế Nga suy yếu, nhưng lại buộc phải tiếp tục mua kim cương từ nước này với giá cao cắt cổ. Trong khi EU cho rằng các biện pháp phải đánh vào kẻ mạnh hơn, điều này sẽ không xảy ra đối với kim cương, vì ngay cả trong trường hợp có lệnh cấm vận của phương Tây, đá quý của Nga vẫn sẽ đến các thành phố như Dubai hoặc Mumbai (Ấn Độ), trước khi tràn vào các thị trường Mỹ hoặc châu Âu một cách ẩn danh. Điều này đảm bảo nguồn thu nhập đáng kể cho người Nga và tạo ra những hậu quả kinh tế được coi là “kịch tính” đặc biệt đối với Bỉ. Một số thậm chí còn dự đoán về sự kết thúc của Antwerp (một thành phố của Bỉ) với tư cách là trung tâm kim cương thế giới để nhường chỗ cho Dubai trong trường hợp kim cương Nga bị cấm vận.

Năm 2021, lượng kim cương thô tương đương 1,8 tỷ euro của Nga đã được chuyển qua Bỉ, tương đương khoảng 1/4 tổng số đá quý nhập khẩu ở Antwerp, nơi có gần 30.000 việc làm phụ thuộc vào ngành công nghiệp kim cương. Theo ông Hans Merket, nhà nghiên cứu của tổ chức Dịch vụ Thông tin Hòa bình Quốc tế (IPIS NGO) ở Antwerp, có những yếu tố đúng trong lập luận này của Bỉ, nhưng đó cũng là một cách tiếp cận rất thụ động. Hiện trạng này đang trở nên khó duy trì khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, theo ông Hans Merket, nhà nghiên cứu của tổ chức Dịch vụ Thông tin Hòa bình Quốc tế (IPIS NGO) ở Antwerp, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Kể từ tháng 7/2022, việc nhập khẩu kim cương của Nga đã giảm đáng kể, chủ yếu là do nhu cầu của người tiêu dùng và các thương hiệu trang sức lớn không còn muốn mua kim cương của Nga nữa.

Ở cấp độ chính trị cũng vậy, sự thay đổi đang diễn ra. Tháng 12 năm ngoái, các đại diện của Mỹ, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã gặp nhau để tìm giải pháp phân phối đá quý từ Siberia mà không để các trung tâm như Antwerp bị ảnh hưởng quá lớn. “Ý tưởng tìm ra một vị trí chung”, ông Hans Merket nói tiếp.

Trong nhiều tháng, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vận đối với kim cương của Nga, “nhưng không hiệu quả vì lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng đến kim cương thô trong khi Mỹ lại là một thị trường dành cho kim cương đã được đánh bóng”. Một số người cũng muốn phân loại đá của Nga là kim cương “xung đột” (hoặc “máu”) và do đó, thông qua Quy trình Kimberley, trên thực tế cấm nhập khẩu chúng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hans Merket, điều đó gần như là không thể bởi việc này cần có sự đồng thuận giữa 85 quốc gia tạo nên Quy trình Kimberley. Trong khi đó, những nước không muốn áp đặt trừng phạt đối với Nga không chỉ có chính nước này mà cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Công nghệ giờ đây có thể truy tìm nguồn gốc từng viên kim cương từ mỏ đến khách hàng, thông qua hệ thống chuỗi khối và khắc laser bên trong những viên đá quý. Ông Hans Merket cho biết kỹ thuật này cung cấp bằng chứng không thể bị làm giả trong mọi giao dịch. Một số công ty đã làm điều đó, ngay cả khi lĩnh vực này luôn rất thận trọng về nó. Nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm thay đổi rất nhiều thứ trong thế giới kim cương.

Trớ trêu thay, một trong những công ty đã phát triển hệ thống theo dõi bằng laser này nhiều nhất không ai khác chính là gã khổng lồ Alrosa của Nga, công ty khai thác 27% kim cương trên thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.