Nga-Ukraine trao đổi dự thảo thỏa thuận hòa bình

Thứ Sáu, 22/04/2022, 06:40

Điện Kremlin thông báo chuyển cho Ukraine dự thảo thỏa thuận hòa bình với những điều khoản được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời khẳng định tiến trình đàm phán giữa hai bên sẽ chỉ đạt kết quả nếu Kiev nghiêm túc cân nhắc những đề nghị chính đáng của Moscow.

Hãng tin Nga Interfax ngày 21/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov thông báo, nước này đã chuyển cho Ukraine một đề xuất thỏa thuận hòa bình, trong đó "bao gồm những điều khoản rõ ràng, được trau chuốt kĩ lưỡng". "Bóng đã trên sân của họ, chúng tôi đang chờ đợi phản hồi", ông Peskov phát biểu, khẳng định tiến trình đàm phán có đạt kết quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của Kiev.

khoi-boc-len-tu-khu-vuc-nha-may-thep-azovstal-o-mariupol-ukraine-ngay-144-anh-ria-novosti-8dbc9a48e30e4522bc0273613064e86b.jpg -0
Cột khói bốc lên từ khu vực nhà máy Azovstal ở Mariupol, nơi lực lượng Ukraine cố thủ. Ảnh: RiaNovosti

Ông Peskov cũng nhắc lại lời của Tổng thống Vladimir Putin cách đây một tuần khi cho rằng, việc Ukraine rút khỏi các cam kết do chính nước này đưa ra tại vòng đàm phán cuối tháng 3/2022 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đang kéo theo những "tác động tiêu cực đến hiệu quả đàm phán".

Trả lời câu hỏi về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước Nga-Ukraine, quan chức Điện Kremlin nói ông Putin không từ chối gặp gỡ người đồng cấp Volodymyr Zelensky, nhưng hai bên cần đạt được những tiến bộ nhất định trước khi tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh. "Về nguyên tắc, Tổng thống Nga không từ chối một cuộc gặp như vậy, nhưng một số điều kiện nhất định phải được sắp xếp trước cuộc gặp này, cụ thể là một thỏa thuận", ông Peskov nói.

Chi tiết bản đề xuất của Nga gửi Ukraine không được công bố. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày tiết lộ, Moscow và Kiev vẫn tiếp tục thương lượng về vấn đề "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine, khả năng khôi phục tiếng Nga như một trong những ngôn ngữ chính thức ở Ukraine, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng do lực lượng ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbass.

Nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó xác nhận họ đã nhận được dự thảo thỏa thuận của Nga. Ông Podolyak cũng thông tin, tại vòng đàm phán ở Istanbul, Kiev đã đề xuất các cơ chế đảm bảo an ninh của nước này trong tương lai. "Nga đã xem xét yêu cầu của chúng tôi và đưa ra quan điểm của họ. Tiếp theo, đến lượt chúng tôi nghiên cứu, so sánh và rút ra kết luận", ông Podolyak nhấn mạnh.

Tại vòng đàm phán trực tiếp ở Istanbul, Nga cho biết, Ukraine đã kí một văn bản sơ bộ, trong đó nêu rõ, ngoài quy chế trung lập, không tham gia liên minh quân sự, phi hạt nhân hóa, Ukraine đồng ý không tổ chức tập trận quân sự với nước ngoài mà không được sự cho phép từ tất cả các quốc gia bảo lãnh, bao gồm Nga.

Kiev cũng chấp nhận cơ chế đảm bảo an ninh tương lai không áp dụng với Crimea. Moscow hài lòng với kết quả thu được ở Istanbul, quyết định rút bớt lực lượng khỏi Kiev và phía Bắc Ukraine từ ngày 30/3 kèm tuyên bố kết thúc giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự, mở ra hi vọng giao tranh sớm kết thúc.

Tuy nhiên, 4 ngày sau khi lực lượng Nga rời đi, lùm xùm xung quanh sự việc Moscow cáo buộc Kiev dàn dựng hàng trăm dân thường thiệt mạng ở thị trấn Bucha đã khiến tình hình nóng trở lại. Hôm 18/4, Nga xác nhận họ sẽ tiếp tục giai đoạn hai của chiến dịch, với mục tiêu là "giải phóng có hệ thống hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk", hai thực thể do phe ly khai lập ra ở Donbass, hiện mới chỉ được Nga công nhận. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi giai đoạn hai là chặng đường quan trọng với toàn bộ chiến dịch tại Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 20/4 đã có cuộc điện đàm về Ukraine với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người đóng vai trò hòa giải quan trọng giữa Moscow và Kiev. Tại điện đàm, phía Nga một lần nữa khẳng định kết quả đàm phán với Ukraine "hoàn toàn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Kiev trong việc đáp ứng những yêu cầu chính đáng" do Moscow đưa ra.

Bộ Ngoại giao Nga thông tin thêm, hai nhà ngoại giao hàng đầu đã thảo luận về tình hình ở thành phố Mariupol hiện bị Nga bao vây và các biện pháp khả thi nhằm cung cấp hành lang sơ tán an toàn cho dân thường, bao gồm người nước ngoài.

Ông Lavrov một lần nữa đổ lỗi cho các đơn vị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine gây ra "tình hình nhân đạo tồi tệ" khi lấy dân thường làm "lá chắn sống" và từ chối sử dụng hành lang nhân đạo do Nga thiết lập. Trong khi đó, ông Cavusoglu cảm ơn quân đội Nga vì đã giúp "giải phóng các con tin bị các tay súng giam giữ tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Mariupol".

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã kéo dài gần 2 tháng. Số liệu ngày 20/4 của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất và khoảng 7 triệu người khác mất nhà cửa do giao tranh.

Đai diện LHQ về vấn đề người tị nạn, bà Kelly T. Clements, hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ hãy lập tức "gác lại" những bất đồng, chia rẽ để cùng nhau tìm cách chấm dứt tình trạng nhân đạo ngày một xấu đi ở Ukraine.

Trong nỗ lực khác nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 20/4 đã đề nghị gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Nga Putin ở Moscow và Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kiev để thảo luận về "các biện pháp cấp bách nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine".

Thiện Minh
.
.
.