Nga - Trung xích lại gần nhau trước áp lực từ phương Tây

Thứ Sáu, 17/12/2021, 08:56

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất lập trường chung nhằm ngăn cản sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ và bảo vệ lợi ích của nhau, trong bối cảnh cả hai nước đang chịu nhiều áp lực từ Mỹ cùng đồng minh phương Tây.

Hơn một tuần sau cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/12 (giờ địa phương) đã gặp thượng đỉnh trực tuyến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về quan hệ song phương, hợp tác năng lượng, ứng phó đại dịch, tăng cường giao thương, cùng một loạt vấn đề quốc tế nóng.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã cho hay, ông Putin và ông Tập cùng gọi mối quan hệ của hai nước là “kiểu mẫu”, đồng thời cam kết hợp tác nhiều hơn để “bảo vệ lợi ích cốt lõi của hai nước, duy trì công bằng và công lý quốc tế”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi ông chủ Điện Kremlin vì sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh trong đảm bảo lợi ích cốt lõi và bác bỏ những ý đồ gây bất hoà trong quan hệ Nga-Trung. “Một số lực lượng nước ngoài đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga, đồng thời chà đạp luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận”, ông Tập nói. “Trung Quốc và Nga nên tăng cường nỗ lực chung để bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích an ninh của cả hai bên”.

Nga - Trung xích lại gần nhau trước áp lực từ phương Tây -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫy tay chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi bắt đầu cuộc gặp trực tuyến ngày 15/12. Ảnh: TASS

Về phần mình, ông Putin nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Một mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa hai nước chúng ta, cùng với những nguyên tắc khác như không can thiệp vào công việc nội bộ, và tôn trọng lợi ích của nhau”. Tân Hoa xã dẫn lời ông chủ Điện Kremlin cho rằng, quan hệ Nga-Trung đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử với sự tin cậy lẫn nhau về mặt chiến lược ở mức độ cao. Theo ông Putin, kim ngạch thương mại song phương Nga-Trung tăng 31% trong 11 tháng đầu năm 2021 lên 123 tỷ USD và hai bên kì vọng con số này sẽ sớm vượt 200 tỷ USD. Đáng chú ý, ông Putin nhấn mạnh ông trông đợi cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, sự kiện mà Mỹ gần đây tuyên bố tẩy chay ngoại giao vì vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương.

Đây là cuộc gặp trực tuyến thứ hai giữa ông Tập và ông Putin từ đầu năm và là lần tiếp xúc thứ 37 của lãnh đạo hai nước từ năm 2013, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây xấu đi. Bắc Kinh gần đây hứng chịu nhiều sức ép từ Mỹ và đồng minh xung quanh các vấn đề thương mại, sở hữu trí tuệ, tình hình người Ngô Duy Nhĩ, vấn đề Hong Kong, Đài Loan…; còn Nga tiếp tục vướng phải nhiều cáo buộc và lệnh trừng phạt xung quanh tình hình ở Ukraine.

Cùng ngày, trợ lý đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov thông báo với các phóng viên rằng, ông Tập và ông Putin đã đều bày tỏ “quan điểm tiêu cực” về sự xuất hiện của các liên minh quân sự mới trong khu vực như cơ chế AUKUS của Mỹ, Australia và Anh; hay “bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Cố vấn của Tổng thống Putin cũng xác nhận, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định cam kết đẩy nhanh thành lập một hạ tầng tài chính độc lập, không thể bị can thiệp để hỗ trợ hoạt động thương mại Nga-Trung, trong động thái được mô tả là nhằm đáp lại một loạt đe dọa của phương Tây về việc “ngắt” Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) - hệ thống thanh toán chủ đạo trên thế giới hiện nay, nhưng nằm dưới sự chi phối của Mỹ cùng đồng minh.

Tờ New York Times cho hay, trong cuộc gặp nói trên, ông Putin và ông Tập nói chuyện với hình ảnh quốc kỳ Nga và Trung Quốc phía sau họ. Trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây vài hôm, ông Putin phát biểu bên cạnh cờ Nga và không thấy sự xuất hiện của cờ Mỹ. Cùng với những thông điệp rõ ràng, sự kiện lần này cho thấy Nga và Trung Quốc rõ ràng đang xích lại gần nhau để đối phó với sức ép từ Mỹ. Tuy vậy, trước một số thông tin cho rằng Nga và Trung Quốc có thể tiến đến thiết lập một liên minh bền chặt hơn, giới quan sát đánh giá khả năng này rất khó xảy ra. Ông Ruan Zongze, Phó chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc mô tả bản chất mối quan hệ Nga-Trung nằm ở sự công bằng và hợp tác cùng có lợi. “Họ cần chống đỡ lẫn nhau để đối phó với những thách thức trên trường quốc tế”, ông Ruan Zongze nói.

Thiện Nhân
.
.
.