Nga triệu Hội đồng Bảo an họp về Ukraine nhưng giấu kín nội dung

Thứ Năm, 12/01/2023, 11:54

Nga triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về Ukraine, nhưng không nêu chủ đề và nội dung cuộc họp.

RiaNovosti hôm nay (12/1) dẫn lời Phó Đại sứ Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyansky thông báo, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp về tình hình Ukraine vào ngày 17/1 theo yêu cầu của Moscow, nhưng ông không nêu chủ đề chi tiết và các nội dung mà Nga dự kiến đệ trình.

Nga triệu Hội đồng Bảo an họp về Ukraine nhưng không nói lí do -0
Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: RiaNovosti

"Hãy để các đối thủ của chúng tôi sống trong bóng tối ", ông Polyansky đề cập lý do chưa tiết lộ nội dung cuộc họp. Nga là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và có quyền triệu tập các cuộc họp nếu cần thiết.

Theo RiaNovosti, cuộc họp do Nga triệu tập diễn ra 4 ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành một cuộc họp khác cũng về Ukraine. Chưa rõ cuộc họp đó do bên nào triệu tập. Nhật Bản hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an.

Đến ngày 20/1, Nga dự kiến tiến hành thêm một cuộc họp không chính thức khác của Hội đồng bảo an về một vụ pháo kích xảy ra ở Donbass hồi tháng 12/2022. "Sẽ có những diễn giả và dữ liệu thú vị. Chúng tôi sẽ chiếu công khai video và ảnh tại cuộc họp đó", Phó Đại sứ Nga phát biểu.

Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp về Ukraine nhiều lần kể từ khi chiến sự nổ ra hồi tháng 2/2022, nhưng chưa đạt được đồng thuận đáng kể do khác biệt trong quan điểm của Nga và phương Tây.

Hồi tháng 10/2022, Hội đồng Bảo an không thông qua một dự thảo nghị quyết của phương Tây về việc lên án Nga sáp nhập các khu vực ly khai Ukraine. Tháng 11/2022, Hội đồng Bảo an tiếp tục không thông qua một dự thảo khác do Nga đệ trình về việc thành lập ủy ban điều tra hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học có liên quan đến Mỹ ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 11/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov, trong đó, ông Akar nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn nhằm sớm lập lại hòa bình, tránh thiệt hại thêm nhân mạng.

Theo lời ông Akar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian để hòa giải xung đột Ukraine cũng như thực hiện các sứ mệnh viện trợ nhân đạo.

Kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ là bên duy nhất thu xếp được một cuộc đàm phán cấp cao của Ngoại trưởng Nga-Ukraine hồi tháng 3/2022. Đến tháng 7/2022, Ankara đã môi giới thành công thỏa thuận cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen.

Cùng ngày, diễn ra cuộc điện đàm Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ, RiaNovosti ngày 11/1 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, Nga "muốn đạt được các mục tiêu của mình thông qua con đường hòa bình và ngoại giao".

Tuy vậy, ông Peskov đánh giá, "không có bất cứ triển vọng đối thoại nào vào thời điểm này, trong bối cảnh luật pháp Ukraine cấm tổng thống nước này liên hệ với chúng tôi và phương Tây cũng không muốn cho phép Kiev linh hoạt".

Thái Hà
.
.
.