Nga tính đến việc triển khai tên lửa ở vùng lãnh thổ "trong lòng NATO"

Thứ Sáu, 19/07/2024, 07:02

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov ngày 18/7 nhấn mạnh Moscow không loại trừ việc triển khai mới các tên lửa hạt nhân nhằm đáp trả kế hoạch triển khai vũ khí thông thường tầm xa của Mỹ ở Đức.

Nga tính đến việc triển khai tên lửa ở vùng lãnh thổ
Ảnh minh họa, nguồn Bộ Quốc phòng Nga. 

Hãng tin Interfax dẫn lời ông Ryabkov nói rằng việc phòng thủ khu vực Kaliningrad của Nga, nằm giữa các thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania, là một trọng tâm đặc biệt.

“Tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”, ông Ryabkov nói với các phóng viên ở Moscow khi được yêu cầu bình luận về kế hoạch triển khai của Mỹ, theo Interfax.

Tuần trước, Mỹ công bố rằng họ sẽ bắt đầu triển khai các loại vũ khí bao gồm SM-6, Tomahawk và các tên lửa siêu thanh mới ở Đức từ năm 2026 để thể hiện cam kết của mình với NATO và phòng thủ châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước cho biết Moscow sẽ tiếp tục sản xuất tên lửa đất liền tầm ngắn và tầm trung, quyết định nơi đặt chúng nếu cần. Hầu hết các hệ thống tên lửa của Nga đều có khả năng lắp đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Interfax dẫn lời ông Ryabkov nói thêm rằng Nga sẽ chọn trong số nhiều phương án nhất có thể để tìm ra phản ứng hiệu quả trước động thái của Mỹ.

Ông cho biết Kaliningrad, vùng cực Tây của Nga bị tách biệt khỏi phần đất liền còn lại của đất nước, “từ lâu đã thu hút sự chú ý không lành mạnh của các đối thủ”.

“Kaliningrad không phải là ngoại lệ khi chúng tôi quyết tâm 100% làm mọi thứ cần thiết để đẩy lùi những kẻ có thể ấp ủ kế hoạch hung hãn và những kẻ cố gắng khiêu khích chúng tôi thực hiện những bước đi gây ra nhiều phức tạp hơn”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Các tên lửa mà Nga và Mỹ đang dự tính triển khai là vũ khí tầm trung đặt trên mặt đất đã bị cấm theo hiệp ước Mỹ-Liên Xô năm 1987. Mỹ đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2019, cáo buộc Nga vi phạm nhưng Moscow phủ nhận.

Việc Nga triển khai tên lửa, có thể mang đầu đạn hạt nhân, ở Kaliningrad sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới phương Tây vì thành phố này nằm gần các nước NATO, theo một số nhà phân tích.

Tuy nhiên, Andrey Baklitskiy, một chuyên gia về kiểm soát vũ khí của Viện Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí của Liên hợp quốc, cho biết các bệ phóng tên lửa của Nga ở Kaliningrad có thể sẽ bị tình báo và giám sát của NATO nhìn thấy một cách dễ dàng, vì vậy việc triển khai như vậy sẽ giống như động thái mang tính tượng trưng.

Theo chuyên gia này, Nga cũng có thể triển khai tên lửa ở khu vực Moscow hoặc Saint Petersburg, hoặc tại Chukotka ở vùng Viễn Đông, từ đó chúng có thể nhắm tới Alaska hoặc thậm chí California của Mỹ. 

Tiến Minh
.
.
.