Nga thúc ép Chính phủ Syria bắt tay phe đối lập viết lại hiến pháp

Thứ Hai, 18/10/2021, 09:45

Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đồng ý cùng phe đối lập soạn thảo một bản hiến pháp mới trong bối cảnh Moscow hối thúc Damascus thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đối thoại hòa bình.

Reuters sáng nay (18/10, giờ Hà Nội) dẫn lời Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen, xác nhận, các đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Syria, gồm đại diện chính phủ của ông Assad và phe đối lập, đã đạt đồng thuận về việc đàm phán lại một bản dự thảo hiến pháp mới.

Nga thúc ép chính phủ Syria bắt tay phe đối lập viết lại hiến pháp -0
Tình hình xung đột khiến hàng ngàn người dân Syria phải sinh sống tạm bợ trong các trại tị nạn. Ảnh: Getty Images

Quyết định trên được thông báo sau khi đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập lần đầu tiên gặp nhau kể từ tháng 1/2021. Dự kiến, vòng đàm phán về hiến pháp mới sẽ lập tức được khởi động từ ngày 18/10 tại Geneva, Thụy Sĩ và kéo dài khoảng một tuần.

Ủy ban Hiến pháp Syria có 150 thành viên, gồm 50 người thuộc Chính phủ Syria, 50 người đại diện phe đối lập và 50 người tới từ các đại diện các tổ chức dân sự do LHQ đề cử, được thành lập từ năm 2019 sau một hội nghị hòa bình Syria do Nga chủ trì.

Trong 2 năm qua, ủy ban này đã nhóm họp 5 lần, nhưng kết quả thu lại không đáng kể do các bất đồng giữa phe đối lập và Chính phủ Syria, bất chấp việc hàng triệu người dân quốc gia Trung Đông vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cuộc bầu cử quy mô toàn quốc, vốn chỉ được tiến hành sau khi có hiến pháp mới.

Theo Reuters, các nhà ngoại giao phương Tây xác nhận chính Nga thời gian qua đã thúc đẩy Damascus thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán với phe đối lập. Giới quan sát kì vọng vòng đối thoại tới đây sẽ giúp Syria có một bản hiến pháp mới mà các bên cùng có thể chấp nhận.

Syria lâm vào nội chiến từ năm 2011, khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, Chính phủ Syria có giai đoạn mất gần như toàn bộ lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Đến năm 2017, nhờ sự trợ giúp của Nga, Iran và các lực lượng thân cận, chính quyền ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ; dân quân người Kurd thân Mỹ kiểm soát khu vực bờ Tây sông Euphrates. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan co cụm ở tỉnh Tây Bắc Idlib.

Cách đây vài tháng, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Syria đang chuyển sang tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình", khi mà các cuộc chiến giữa các phe đối địch không còn ác liệt như trước, song mâu thuẫn giữa các bên vẫn còn nguyên, chưa thể hóa giải bằng con đường đối thoại; người dân vẫn chưa thể trở lại nhà cửa, chưa thể tái thiết cuộc sống.

Thiện Nhân
.
.
.