Nga sẵn sàng hoá giải khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan

Thứ Ba, 16/11/2021, 08:22

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát tín hiệu sẵn sàng giúp xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn ở biên giới Ba Lan - Belarus, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chưa thể tìm được tiếng nói chung với Minsk về vấn đề trên và đang cân nhắc gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt mới.

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, ngày 14/11 đã có cuộc điện đàm hiếm hoi để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư đang xảy ra ở biên giới Ba Lan-Belarus cũng như về các biện pháp trừng phạt chống Minsk của Brussels, nhưng không đạt kết quả khả quan, Reuters đưa tin.

Sau điện đàm, Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại với EU trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Phía Belarus chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Minsk là “vô ích và phản tác dụng”, đồng thời khẳng định ông Makei đã thông tin với EU về các biện pháp mà Belarus thực hiện nhằm “giảm thiểu dòng người di cư từ châu Á, châu Phi và Trung Đông”.

Nga sẵn sàng hoá giải khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan -0
Người tị nạn tập trung gần biên giới phía Belarus với hi vọng xâm nhập châu Âu, nhưng bị lực lượng Ba Lan đẩy lùi. Ảnh: Getty Images

Ông Borrell nhắc lại cáo buộc của EU nhằm vào Belarus khi cho rằng, Minsk cố tình để đám đông người di cư tràn về biên giới của khối và đẩy hàng ngàn người trong số họ vượt biên sang Ba Lan cũng như các quốc gia khác thuộc EU nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt đối với Minsk, dù lập luận này nhiều lần bị Belarus bác bỏ.

Nhà ngoại giao châu Âu cũng khẳng định, khối đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus. “Chúng tôi sẽ “bật đèn xanh” cho việc mở rộng khung pháp lý của các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, có thể áp dụng với tất cả những đối tượng đưa người nhập cư đến nước này”, ông Borrell phát biểu và cho biết thêm, các quan chức Belarus cùng giám đốc điều hành một số hãng hàng không và công ty du lịch có thể sẽ đối mặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại các EU.

Truyền thông khu vực tiết lộ, ngoại trưởng các nước EU sẽ sớm nhóm họp để công bố chính thức danh sách các cá nhân và thực thể bị cấm vận. Phía Belarus nhiều lần khẳng định bất cứ biện pháp trừng phạt nào của EU nhằm vào Minsk sẽ bị đáp trả tương đương. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko gần đây thậm chí cảnh báo có thể cắt dòng chảy khí đốt từ Nga qua Belarus sang châu Âu, song biện pháp này không nhận được sự hậu thuẫn từ Moscow.

Căng thẳng leo thang ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan từ đầu tháng khi hàng ngàn người di cư, gồm trẻ em, phụ nữ có thai, từ các nước Trung Đông, châu Phi bất ổn đổ dồn về Belarus thông qua các chuyến bay thương mại rồi di chuyển đến biên giới phía Tây nước này để tìm cách xâm nhập EU qua biên giới Ba Lan, Latvia và Litva, nhưng đã bị lực lượng an ninh các nước EU ngăn chặn quyết liệt. Thời tiết giữa tháng 11 ở Đông Âu rất khắc nghiệt, có lúc nhiệt độ xuống dưới 0 độ C khiến ít nhất 9 người tị nạn đã thiệt mạng, bao gồm một đứa trẻ. Từ ngày 13/11, ngoài thực phẩm, nhà chức trách Belarus quyết định cung cấp thêm hàng viện trợ, gồm lều và máy sưởi cho người di cư, song động thái này lại khiến châu Âu lo ngại có thể mở đường để người tị nạn hiện diện lâu dài hơn ở biên giới Ba Lan, cũng là biên giới EU.

Khi các cuộc đối thoại không tìm được tiếng nói chung, Reuters ngày 15/11 dẫn lời Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bất ngờ hối thúc khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những bước đi cụ thể nhằm giải quyết khủng hoảng tại biên giới với Belarus. Ông cho rằng, Ba Lan, Litva và Latvia, có thể đề nghị NATO tham vấn dựa trên Điều 4 hiệp ước của khối. Điều 4 của Hiệp ước NATO quy định bất cứ thành viên nào cũng có thể đề nghị tham vấn khi bị đe dọa về toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh.

Từ Moscow, Điện Kremlin thì thể hiện thái độ ủng hộ nhất quán dành cho Belarus. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/11 bác bỏ cáo buộc của Ba Lan và một số nước EU khi cho rằng Moscow đang phối hợp cùng Minsk để gây áp lực lên biên giới EU. “Tôi muốn mọi người biết chúng tôi không liên quan gì đến chuyện đó. Họ đều cố gắng bắt chúng tôi phải chịu trách nhiệm về điều gì đó mỗi khi có cơ hội, kể cả khi không có”, Tổng thống Putin chỉ trích. Ông nhận định phương Tây cũng có trách nhiệm với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay vì chính họ đứng sau những xung đột ở Iraq hay Afghanistan.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng đã mở ra triển vọng xử lý cuộc khủng hoảng kể trên khi ông khẳng định Moscow sẵn sàng thể hiện vai trò trung gian. “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách, nếu có bất cứ điều gì đó chúng tôi có thể làm được”, ông Putin khẳng định. Nhà lãnh đạo Nga thông tin, ông đã trao đổi với người đồng cấp Belarus Lukashenko hai lần từ khi căng thẳng nổ ra. Trong một bước đi thể hiện thiện chí khác, Tổng thống Putin xác nhận ông đã bác bỏ đề xuất của Bộ Quốc phòng nước này về việc tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen nhằm đáp trả hành động tương tự trước đó của NATO vì ông không muốn làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Giới quan sát cảnh báo, ngoài nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện hữu tại biên giới khi mùa Đông lạnh giá ngày càng tới gần, châu Âu và Belarus cần khẩn trương mở đường cho các cơ chế đối thoại hiệu quả để tránh tuyệt đối nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự. Trong khi Ba Lan đã điều động khoảng 20.000 người, gồm binh sĩ, cảnh sát và biên phòng đến biên giới Belarus, thì Belarus mới đây cũng tăng cường thêm hàng ngàn binh sĩ và đề nghị Nga hỗ trợ đảm bảo an ninh. Tuần qua, Nga đã ít nhất hai lần triển khai máy bay quân sự thực hiện các sứ mệnh tuần tra ở Belarus, bước đi được Moscow mô tả là “không nhằm vào quốc gia thứ ba” nhưng đã cho thấy thái độ cương quyết của Nga nếu binh biến nổ ra ở biên giới Belarus.

Thiện Minh
.
.
.