Nga nói gì về việc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản?

Thứ Bảy, 11/02/2023, 10:50

TASS ngày 11/2 dẫn lời Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng về việc đàm phán hiệp ước hòa bình giữa nước này và Nhật Bản trong bối cảnh Thủ tướng Fumio Kishida mới đây tuyên bố Tokyo cam kết kiên quyết giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký kết một hiệp ước hòa bình với Nga.

Nga nói gì về việc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản? -0
Một phần quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc. Ảnh: TASS. 

Theo đó, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông tin: "Đối với chủ đề về một hiệp ước hòa bình, chúng tôi vẫn chưa thay đổi quan điểm. Xin nhắc lại rằng ngày 21/3/2022 Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố, chúng tôi không có ý định tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình".

Được biết, quần đảo Nam Kuril theo cách gọi của Nga hay vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản, được xem là vấn đề gây căng thẳng chính trong quan hệ Nga - Nhật Bản nhiều thập niên qua.

Bà Maria Zakharova nêu rõ, quan điểm "không thân thiện" một cách công khai của Nhật Bản trong việc đơn phương áp đặt các hạn chế với Nga liên quan đến tình hình Ukraine, là lý do dẫn tới thực tế nói trên. "Trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga, phía Nga sẽ không tiến hành các cuộc tham vấn liên chính phủ về việc thực hiện thỏa thuận này", bà Maria Zakharova nhấn mạnh. 

Ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Nhật Bản đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng chục cá nhân và tổ chức của Nga. Mới đây, Tokyo đã bổ sung thêm 36 cá nhân và 52 tổ chức có liên hệ với Nga vào danh sách trừng phạt. Đáp lại, tháng 6/2022, Nga đã đình chỉ thỏa thuận năm 1998 cho phép tàu thuyền Nhật Bản đánh bắt gần quần đảo trên.

Quần đảo Nam Kuril hay vùng lãnh thổ phương Bắc là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300km về phía Đông Bắc từ Hokkaido, Nhật Bản tới Kamchatka của Nga, chia tách biển Okhotsk từ phía Bắc Thái Bình Dương. Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ. Toàn bộ diện tích trên đảo ước tính khoảng 15.600km2 và dân số là 19.000 người. Khi Nhật bại trận và thế chiến hai kết thúc năm 1945, toàn bộ quần đảo nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô và hiện là Nga. 

Tuy vậy, Nhật Bản đến nay vẫn khẳng định chủ quyền ở bốn đảo cực Nam của quần đảo này gồm Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai. Phía Nhật Bản đòi hỏi chủ quyền dựa trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St. Petersburg (1875), vốn đã không còn giá trị, theo đó Nga Hoàng công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai thuộc chủ quyền của nước này.

Kim Khánh
.
.
.