Nga nêu lý do khóa van khí đốt, công ty Đức lập tức phản pháo
Nga ngày 2/9 (giờ địa phương) tuyên bố lùi thời hạn mở lại dòng chảy Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí chủ chốt giữa Nga và Đức. Song, lý do phía Nga đưa ra lại không nhận được sự đồng tình từ công ty Đức.
Đường ống Nord Stream 1 dự kiến hoạt động trở lại lúc 1h sáng ngày 3/9 (giờ địa phương) sau khi tạm dừng ba ngày để bảo trì.
Nhưng, chỉ vài tiếng trước khi mở lại, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga bất ngờ tuyên bố không thể khởi động lại việc vận chuyển khí đốt một cách an toàn cho đến khi khắc phục được sự cố rò rỉ dầu được tìm thấy trong một tuabin quan trọng. Đáng chú ý, không có thời hạn cho việc trì hoãn lần này.
Phản ứng trước tuyên bố từ phía Gazprom, Siemens Energy - công ty của Đức phụ trách sản xuất tuabin cho đường ống Nord Stream 1, cho rằng sự cố rò rỉ như vậy không thể ngăn đường ống hoạt động.
"Những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được niêm phong tại chỗ. Đây là một quy trình thường xuyên trong phạm vi công việc bảo trì", công ty cho biết, đồng thời khẳng định đã vài lần chỉ ra rằng trạm Portovaya có đủ tuabin bổ sung để Nord Stream 1 hoạt động..
Việc giảm lượng cung cấp nhiên liệu qua Nord Stream 1 đã khiến các quốc gia châu Âu phải vật lộn tìm cách "nạp đầy" kho khí đốt cho mùa đông sắp tới, tác động tới việc một số quốc gia khởi động các kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn đến tái phân bổ năng lượng và gây ra lo ngại về suy thoái.
Đáng chú ý, thông báo của phía Gazprom được đưa ra ngay sau khi G7 nhất trí áp giá trần với dầu Nga nhằm "ngăn chặn nước này thao túng thị trường", theo lãnh đạo Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng liên bang Đức Klaus Mueller hôm 30/8 cho rằng, quyết định của Gazprom về việc tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là “khó hiểu về mặt kỹ thuật”, đồng thời cảnh báo có khả năng đây là cái cớ để Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một lời đe dọa.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng gián đoạn có thể xảy ra nhiều hơn với việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1. "Không phải lỗi của Gazprom mà do tài nguyên bị thiếu. Do đó, độ tin cậy của toàn bộ hệ thống đang gặp rủi ro", ông nói.