Nga - Đức lắp đặt xong, sắp vận hành siêu ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2
Nga - Đức đã hoàn tất lắp đặt đường ống dẫn khí gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 và hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức gần như chắc chắn sẽ bắt đầu vào tháng 10/2021.
Hãng tin DW của Đức dẫn thông báo của Nord Stream 2 AG, công ty điều hành dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ngày 6/9 thông báo, các chuyên gia trên tàu Fortuna đã hàn đường ống cuối cùng của tuyến đường ống gây tranh cãi này và sẽ sớm hạ nó xuống đáy biển Baltic.
Nord Stream 2 AG xác nhận hoạt động bơm khí gas từ Nga sang Đức sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. DW nói rằng mốc thời gian đó là vào tháng 10/2021.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được vận hành sau vài ngày nữa, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
"Chúng ta đang thấy một cuộc tấn công trực diện, bất chấp mọi thứ, nhằm vào Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng mọi người đều hiểu và người Mỹ nhận ra rằng nó sẽ hoàn thành chỉ trong vài ngày và nó sẽ bắt đầu hoạt động", quan chức cấp cao Nga khẳng định.
Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá 12 tỷ USD, cho phép Nga chuyển đến 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang châu Âu thông qua các đường ống đặt dưới biển Baltic. Cùng với tuyến số 1, Nga có thể đưa tổng cộng 110 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu mà không cần trung chuyển qua Ukraine.
Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải rất nhiều khó khăn do tranh cãi giữa các nước châu Âu, cũng như việc nó bị Ukraine và Mỹ phản đối. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án, nhưng vẫn không ngăn cản được nỗ lực dẫn đầu bởi Nga và Đức.
Đức xoa dịu Ukraine
Hiệnnay, phần lớn xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đều đi qua Ukraine. Nhờ đó, hàng năm Ukraine sẽ nhận được hàng trăm triệu USD phí trung chuyển. Đây là nguồn ngân sách quý giá với Kiev, trong bối cảnh nước này đối mặt nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội.
Trong bước đi thể hiện quyết tâm hoàn tất Dòng chảy phương Bắc 2 và nhằm xoa dịu Mỹ và Ukraine, Đức hồi tháng 7/2021 đã đạt một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ để cho phép dự án này được hoàn tất.
Theo nội dung văn kiện, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ngừng phản ứng quyết liệt với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng Đức cần hỗ trợ Ukraine trong ngoại giao năng lượng và các dự án trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Đức cũng đồng ý đóng góp 1 tỷ USD để giúp Ukraine cải thiện an ninh năng lượng.
Phát biểu với báo giới ngày 20/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thừa nhận các lệnh trừng phạt do Washington ban bố đã không ngăn cản việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Đây được cho cũng là lí do mà Mỹ hồi tháng 5 miễn áp đặt trừng phạt công ty thực hiện dự án này.