Nga - Cuba phối hợp hành động
Đó là nội dung cuộc điện đàm diễn ra hôm 24/1 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel.
Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã trao đổi quan điểm kỹ lưỡng về chủ đề hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư song phương. Chủ tịch Cuba cảm ơn sự hỗ trợ nhân đạo của Nga dành cho nước cộng hòa, bao gồm cả trong cuộc chiến chống lại sự lây nhiễm COVID-19. Các vấn đề về tiếp tục phối hợp hành động của hai nước trên trường quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ đối tác chiến lược và truyền thống hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Nga - Cuba nhất trí tiếp tục hợp tác cùng nhau để tăng cường quan hệ song phương. Các cuộc tiếp xúc sẽ tiếp tục ở nhiều cấp độ khác nhau.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Venezuela Nicolás Maduro. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề chính của hợp tác giữa hai nước, việc thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, năng lượng và các lĩnh vực khác. Tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống lại sự lây lan dịch COVID-19, bao gồm cả việc cung cấp vaccine của Nga cho Venezuela, đã được nhấn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định, mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ đối tác chiến lược mà hai nhà nước đã xây dựng. Người đứng đầu Điện Kremlin bày tỏ sự ủng hộ kiên định đối với những nỗ lực của chính quyền Venezuela trong việc củng cố chủ quyền và đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường các cuộc tiếp xúc Nga - Venezuela ở nhiều cấp độ khác nhau.
Các cuộc điện đàm của Tổng thống Nga với các nhà lãnh đạo Cuba, Venezuela diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh tình hình Ukraine. Trong khi Nga vẫn đang chờ trả lời bằng văn bản từ phía Mỹ cho các đề xuất về đảm bảo an ninh của mình, thì trong ngày 24/1, NATO tuyên bố cử lực lượng bổ sung đến Đông Âu, gửi thêm tàu và máy bay chiến đấu để “tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của đồng minh khi Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở Ukraine và xung quanh nước này”.
Moscow đã ngay lập tức lên tiếng cáo buộc Mỹ và NATO làm gia tăng căng thẳng thông qua nhiễu loạn thông tin và các hành động cụ thể, cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột ở Ukraine là rất cao. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đang thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ đất nước. Trước đó, trả lời báo chí về thông tin Nga có thể triển khai lực lượng tên lửa ở Cuba, Venezuela, nếu Mỹ và NATO bác bỏ đề xuất an ninh, phía Nga không thừa nhận và cũng không bác bỏ khả năng đó.
Cũng trong ngày 24/1, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga tham gia đối thoại mang tính xây dựng trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế hiện có. Theo tuyên bố, EU đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm vào Moscow. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày giữa các Ngoại trưởng EU và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng, 27 quốc gia thành viên và các đồng minh của họ hoàn toàn bế tắc về sự cần thiết phải áp dụng một gói trừng phạt cứng rắn đối với Nga trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vào Ukraine.
Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Czech, ông Jan Lipavsky cho biết có “sự thống nhất khá mạnh mẽ” xung quanh ý kiến rằng các biện pháp trừng phạt là công cụ mạnh nhất để giải quyết khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang, nhưng “có nhiều ý kiến khác nhau” liên quan đến “biện pháp trừng phạt nào” và “ở mức nào”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng vấn đề lãnh thổ Ukraine và NATO cần được xem xét riêng. Phát biểu trước thềm hội nghị, bà Annalena Baerbock cho biết các nước châu Âu và Mỹ, với tư cách thành viên NATO, đang cân nhắc các kịch bản khác nhau để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên cạnh đó, một số quan chức và nhà ngoại giao EU cũng bày tỏ sự khó chịu với Mỹ và Anh vì đã bắt đầu rút một số nhân viên ngoại giao và thành viên gia đình của họ khỏi Ukraine, gọi đây là một bước đi quá sớm khiến thị trường tài chính hoảng sợ và bất ổn.
Theo ông Josep Borrell, các nước EU không thấy có lý do gì để rút các nhà ngoại giao của mình vào thời điểm này. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết: “Bộ trưởng Antony Blinken đã nói với chúng tôi rằng đó không phải là một cuộc sơ tán”, gọi đó là “sự di chuyển tự do của những người không phải là nhân viên quan trọng”. Ngoài ra, EU cũng có bất đồng về nhiệm vụ huấn luyện quân sự được đề xuất cho các sĩ quan. Đức, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha được cho là một trong những quốc gia chặn chương trình này.
Và trong một nỗ lực nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của EU đối với Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU đã lên kế hoạch trợ giúp Ukraine gói hỗ trợ kinh tế trị giá 1,2 tỷ Euro viện trợ kinh tế vĩ mô, dưới hình thức cho vay và 120 triệu Euro viện trợ không hoàn lại để giảm thiểu tác động từ tình trạng căng thẳng ở khu vực biên giới với Nga hiện nay. Bà cho biết đã hối thúc Hội đồng châu Âu, đại diện cho các nước thành viên, và Nghị viện châu Âu thông qua gói hỗ trợ này càng sớm càng tốt.