Nga cấp tập sơ tán dân Kherson trước đà phản công của Ukraine
Chính quyền tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm thông báo sơ tán cư dân tại 4 thành phố phía Tây Bắc sông Dnipro sang bờ Đông Nam nhằm "thiết lập các công sự phòng thủ quy mô lớn".
Interfax tối 18/10 (giờ địa phương) dẫn lời quyền thống đốc Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo xác nhận, dân thường tại 4 thành phố nằm phía Tây Bắc sông Dnipro sẽ được sơ tán sang bờ Đông Nam nhằm "tạo ra công sự phòng thủ" trước đà tiến công của Ukraine.
Ông Saldo mô tả quyết định sơ tán được đưa ra một cách "khó khăn nhưng cần thiết". 4 thành phố được sơ tán lần lượt là là Berislav, Belozersky, Snegirevsky và Aleksandrovsky. Cư dân phải rời bỏ nhà cửa sẽ được bố trí chỗ ở mới tại các khu vực mà Nga kiểm soát.
Vị quan chức Kherson cũng khẳng định, Nga đã thiết lập một nhóm quân đội để sẵn sàng đẩy lùi Ukraine. "Chiến trường của cuộc đối đầu này chính là vùng đất của chúng ta, các thành phố yên bình và làng mạc tỉnh Kherson", ông Saldo viết trên Telegram.
Trước phát ngôn của ông Saldo, tổng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, tướng Sergei Surovikin, cho biết, Moscow đã nắm thông tin về kế hoạch tấn công Kherson của quân đội Ukraine, bao gồm cuộc không kích tên lửa vào nhà máy thủy điện Kakhovskaya.
Theo lời quyền thống đốc Kherson, có nguy cơ xảy ra lũ lụt ở một số khu vực tại địa phương này trong trường hợp đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya bị hư hại.
Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối 2 phần của tỉnh Kherson, được ngăn cách bởi sông Dnipro, được đánh giá là khá khó khăn do Kiev liên tiếp không kích các cây cầu bắc qua sông.
Kherson được đánh giá sẽ trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Số liệu năm 2020 cho thấy địa phương này có một triệu dân và khoảng một nửa trong đó nói tiếng Nga. Moscow kiểm soát Kherson chỉ vài tuần sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tháng trước, Nga tuyên bố kết nạp Kherson sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại đó cho kết quả 87,05% cử tri ủng hộ việc sáp nhập vùng đất của họ với Nga. Ukraine phản đối cuộc trưng cầu và không công nhận kết quả bỏ phiếu.