Nga cảnh báo xung đột quân sự ở ranh giới Serbia-Kosovo

Thứ Hai, 01/08/2022, 08:29

Bộ Ngoại giao Nga mô tả việc chính quyền vùng lãnh thổ Kosovo áp đặt các quy tắc khắt khe hơn với người Serbia có thể khiến căng thẳng leo thang, đồng thời kéo theo nguy cơ xung đột quân sự.

Hãng tin Interfax hôm nay (1/8) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc việc Kosovo áp đặt quy tắc buộc người Serbia bản địa thay đổi giấy tờ cá nhân và đăng kí biển số xe từ loại do Serbia cấp sang mẫu của Kosovo là nhằm "hướng tới trục xuất người Serbia khỏi Kosovo".

Nga cảnh báo xung đột quân sự ở ranh giới Serbia-Kosovo -0
Binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo. Ảnh: Reuters

Theo bà Zakharova, chính quyền ở thủ phủ Pristina của vùng lãnh thổ Kosovo hiểu rằng, hành động của họ chắc chắn sẽ khiến người Serbia nổi giận. "(Điều đó là nhằm) cố tình leo thang căng thẳng để khởi động một kịch bản quân sự", đại diện Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.

Phát ngôn viên Zakharova cũng kêu gọi chính quyền Pristina cùng các đồng minh phương Tây cần "ngưng hành động khiêu khích và tôn trọng các quyền của người Serbia", đồng thời hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sứ mệnh hòa giải Serbia-Kosovo.

Căng thẳng leo thang ở ranh giới Kosovo-Serbia sau khi chính quyền Kosovo muốn buộc người dân sinh sống tại vùng lãnh thổ này sử dụng giấy tờ tùy thân và biển số xe do Pristina cung cấp từ ngày 1/8.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra khi khoảng 50.000 người Serbia sinh ở phía Bắc Kosovo cương quyết sử dụng giấy tờ và biển số xe Serbia. Người biểu tình thậm chí đã chặn các tuyến đường, dựng chướng ngại vật, khiến một số trạm kiểm soát trên ranh giới giữa Serbia và Kosovo phải đóng cửa.

Serbia và Kosovo những giờ qua đổ lỗi cho đối phương về tình hình căng thẳng. Pristina hôm 31/7 quyết định hoãn kế hoạch gây tranh cãi một tháng, nhưng tình hình không cải thiện đáng kể.

Kosovo, rộng gần 11.000km với dân số 1,9 triệu người chủ yếu gốc Albani, đã ly khai khỏi Serbia rồi tuyên bố độc lập tháng 2/2008. Đến nay, một loạt quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Anh, Đức công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Nga, Serbia, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới chưa công nhận tính hợp pháp của việc Kosovo tách khỏi Serbia.

Hôm 31/7, lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO lãnh đạo (KFOR) tuyên bố họ sẵn sàng can thiệp nếu xung đột nổ ra. Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã có cuộc tham vấn bất thường với Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Serbia, theo RiaNovosti.

Thái Hà
.
.
.