Nạn cháy rừng hoành hành, Liên hợp quốc ra "báo động đỏ"

Thứ Năm, 12/08/2021, 07:55

Hàng chục người chết, hàng ngàn cư dân phải rời bỏ nơi ở và những cánh rừng mênh mông hóa thành biển lửa, cháy rừng tại nhiều khu vực trên thế giới khiến Liên hợp quốc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Algeria cho biết, các đám cháy rừng đã bùng lên tại nhiều nơi ở nước này từ hôm 10/8 và lan rộng. Tính đến tối 11/8, Algeria đã ghi nhận ít nhất 99 vụ cháy rừng tại 16 bang trên toàn quốc. Thủ tướng Algeria Ayman Bin Abdel Rahman cho biết, 42 người đã thiệt mạng do các đợt bùng phát cháy rừng này, trong đó có 17 dân thường và 25 binh sĩ được điều động để dập lửa.

2.jpg -0
Nhân viên cứu hỏa tại Hy Lạp nỗ lực dập đám cháy rừng tại Glatsona, đảo Evia.  Ảnh Getty Images.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã bày tỏ sự đau buồn trước thông tin 25 binh sĩ thuộc lực lượng Quân đội Quốc gia thiệt mạng trong các chiến dịch cứu hộ. Ông ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của các binh sỹ sau khi đã giải cứu thành công hơn 100 người bị mắc kẹt trong những đám cháy đang bùng phát. Tổng thống Algeria khẳng định, nước này đang huy động tất cả các phương tiện hiện có để đối phó với đợt cháy rừng đã lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều bang. Chính phủ Algeria đã yêu cầu sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế và đang đàm phán với các đối tác để thuê máy bay dập lửa.

Bên kia bờ Địa Trung Hải, Hy Lạp cũng chứng kiến hơn 500 vụ cháy đồng thời diễn ra trong suốt tuần qua, trong đó dữ dội nhất là cháy rừng trên đảo Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp nằm ngoài khơi phía đông phần đất liền của Athens. Gần 500 lính cứu hỏa đã làm việc xuyên đêm để bảo vệ các khu làng, đất đai, nhà cửa và rừng rậm rạp trên đảo này.

Các đám cháy cũng để lại khung cảnh hoang tàn với những ngôi nhà, ôtô cháy đen nằm trơ trọi giữa rừng thông bị cháy nham nhở. Thủ đô Athens bị bao phủ trong đám mây khói và tro bụi dày đặc. Chính quyền thủ đô đã phải khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và đóng cửa sổ khi ở nhà để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến nay, người dân rất giận dữ trước sự chậm trễ và sai lầm trong phản ứng của chính phủ.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hôm 9/8 đưa ra lời xin lỗi vì thất bại trong nỗ lực kiểm soát các vụ cháy, đồng thời, hứa sẽ khắc phục sai lầm và kêu gọi đoàn kết. Các đám cháy bùng phát trong bối cảnh Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 30 năm qua. Khoảng 1.000 lính cứu hỏa, 9 máy bay, 200 xe chữa cháy từ các nước châu Âu đã được gửi đến Hy Lạp để hỗ trợ dập lửa.

Tại Mỹ, Cơ quan cứu hỏa bang California cho biết đám cháy Dixie, bắt đầu từ ngày 13/7, đã bao phủ một khu vực rộng khoảng 3.500km2, trong đó khoảng 21% đã được khống chế. Đây là đám cháy lớn thứ 2 trong lịch sử bang California, chỉ sau vụ cháy rừng tháng 8/2020. Mùa cháy rừng năm nay tại Mỹ bắt đầu sớm hơn những năm khác. Hàng ngàn người phải di tản, trong đó hơn 40% dân số ở hạt Plumas phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 8.500 nhân viên cứu hỏa đang chống chọi với 39 đám cháy trên khắp bang, đe dọa gần 14.000 ngôi nhà và đã thiêu rụi 400 căn. Tại thị trấn Greenville, hầu như toàn bộ nhà cửa bị thiêu rụi.

Nguyên nhân gây ra đám cháy khủng khiếp này vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, Công ty Điện và khí đốt Pacific cho rằng có thể cây đổ vào một đường dây điện của công ty này đã gây cháy. Lực lượng cứu hỏa California vẫn đang đối mặt với các điều kiện và thời tiết có thể làm ngọn lửa bùng lên nghiêm trọng hơn, như độ ẩm thấp, gió thổi và các đám cháy lân cận.

Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ), công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, khẳng định phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn. Báo cáo "Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý", do 234 tác giả soạn thảo, sau 2 tuần họp trực tuyến, từng dòng khuyến nghị được đại diện các chính phủ xem xét, sửa đổi; cuối cùng báo cáo đã được 195 chính phủ chấp thuận trong khuôn khổ phiên thứ 54 của IPCC.

Báo cáo chỉ rõ, không chỉ về nhiệt độ, biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, lũ lụt đã tàn phá châu Âu và Trung Quốc, khói độc bao trùm Siberia đến các vụ cháy rừng bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ, Canada, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và mới đây nhất là Algeria... trong những tháng gần đây chỉ là màn dạo đầu về những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng dần lên. Những sự kiện này cũng cho thấy các nước chưa chuẩn bị kịp với tốc độ tác động của biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký LHQ António Guterres đánh giá báo cáo này là "một báo động đỏ đối với nhân loại". "Những hồi chuông báo động này đang bị làm thinh, và bằng chứng cho việc này là không thể chối cãi: khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như cháy rừng đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta và đang khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm", ông Guterres nhấn mạnh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đánh giá cao báo cáo, đồng thời nhận định rằng "thập kỷ tới là thời điểm then chốt để đảm bảo tương lai của hành tinh", cần phải có những biện pháp thiết thực như "đưa than đá vào dĩ vãng và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, bảo vệ thiên nhiên". Ông Johnson hy vọng rằng, đây có thể là một "lời cảnh tỉnh" cho các nhà lãnh đạo toàn cầu trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021.

Duy Tiến
.
.
.