Nắm bắt cơ hội để chấm dứt vĩnh viễn điểm nóng Gaza

Thứ Tư, 05/06/2024, 06:30

Đây là quan điểm mà tất cả các bên hòa giải đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 31/5, công bố một kế hoạch ba giai đoạn, được cho là của Israel, nhằm chấm dứt chiến tranh tại Dải Gaza.

Kế hoạch mới này gần như không khác gì với các kế hoạch trước đó mà Hamas đã nhất trí. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ mở ra lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột đã khiến trên 36.000 người Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng.

4_6_2024_quocte_nguoitinanpalestine.jpeg -0
Người tị nạn Palestine tại Jabalia, phía Bắc Dải Gaza.

Theo kế hoạch trên, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn “đầy đủ và hoàn chỉnh”, như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine. Hơn 100 con tin đã được thả theo một thỏa thuận hạn chế hơn vào tháng 11 năm ngoái. Ước tính có khoảng 125 người vẫn đang bị Hamas và các nhóm vũ trang khác giam giữ ở Gaza, mặc dù hàng chục người được cho là đã chết.

Giai đoạn thứ hai, được Tổng thống Joe Biden miêu tả là “giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch”, là trao đổi tù nhân Israel và Palestine, cũng như tiến hành đợt viện trợ nhân đạo để hỗ trợ những người đang đối mặt với nạn đói ở Dải Gaza và trên 82.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, theo ông Biden, các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần, vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ nam.

Trong giai đoạn thứ ba, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được thực thi và một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza sẽ được triển khai – bao gồm 60% phòng khám, trường học, trường đại học và các tòa nhà tôn giáo hư hại hoặc bị lực lượng Israel phá hủy. Bên cạnh đó, hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Đã đến lúc bắt đầu giai đoạn mới… để chấm dứt mọi đau khổ. Đã đến lúc xung đột phải kết thúc, để một ngày mới bắt đầu”. Mỹ cùng Ai Cập và Qatar kêu gọi Israel và Hamas thực hiện các bước cần thiết để thông qua thỏa thuận nêu trên nhằm giải quyết dứt điểm cuộc xung đột. Hamas ngay lập tức tuyên bố họ xem xét kế hoạch trên một cách “tích cực” này mà không đi sâu vào chi tiết. Nhưng vẫn chưa rõ liệu cái nhìn “tích cực” mà họ đánh giá về đề xuất này có dẫn đến động thái chấp nhận đề xuất hay không.

Ông Osama Hamdan, người phát ngôn của Hamas tại Liban, cho biết, phong trào này vẫn chưa nhận được đề xuất bằng văn bản từ Mỹ. Các báo cáo bổ sung cho biết Hamas sẽ phải đợi ý kiến từ các nhà lãnh đạo ở Gaza, bao gồm cả thủ lĩnh Yahya Sinwar, trước khi đưa ra kết luận có chấp nhận hay không.

Song theo giới chuyên gia có khả năng, Hamas sẽ miễn cưỡng chấp thuận trước khi cân nhắc liệu Israel có cởi mở với thỏa thuận này hay không. Trong khi đó, các bên hòa giải bày tỏ sự ủng hộ đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, việc rút hoàn toàn lực lượng chiếm đóng của Israel, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường bị ảnh hưởng vì xung đột leo thang cũng như sự trở về an toàn của những người dân phải sơ tán vì xung đột. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt sự đau khổ của người dân Palestine ở Gaza.

Họ nêu quan điểm rằng: “Kêu gọi ngừng bắn là một chuyện nhưng tất nhiên nếu bạn không thể đảm bảo thực hiện các điều kiện cần thiết cho một lệnh ngừng bắn bền vững, thì nó sẽ không thể kéo dài. Và đây là nỗ lực để bắt đầu thực hiện các điều kiện đó, bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng, cần xem xét toàn diện các vấn đề, bao gồm vấn đề an ninh của Israel và cả các vấn đề liên quan tới nhà nước Palestine, để cùng nhau đạt được thỏa thuận lâu dài, hướng tới giải quyết xung đột”.

Về phía Israel, nội bộ nước này dường như đang “lục đục” về kế hoạch trên. Hai nhà lãnh đạo cực hữu trong liên minh cầm quyền Israel - gồm người đứng đầu đảng Otzma Yehudit đồng thời là Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich - đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch đồng thời tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nếu thủ tướng chấp nhận thỏa thuận trên trước khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, thành viên nội các chiến tranh Benny Gantz và Bộ trưởng Nội các Gadi Eisenkot, đã đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ từ đảng Thống nhất Quốc gia ôn hòa của họ trước ngày 8/6, nếu ông Benjamin Netanyahu không đưa ra một lộ trình rõ ràng phía trước. Về phần mình, thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phát biểu của hai ông Itamar Ben Gvir và Bezalel Smotrich là “từ bỏ an ninh quốc gia”, các con tin cũng như cư dân miền Bắc và miền Nam của Israel. Tuy nhiên, các đảng đối lập cũng đe dọa chuẩn bị cho phương án lật đổ chính phủ.

Thực tế cho thấy, mặc dù tiến trình thương lượng tìm kiếm lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas, dưới sự trung gian hòa giải của nhiều bên, đã đạt được một số tiến bộ, song việc tiến tới thỏa thuận vẫn đối mặt với nhiều chông gai và thách thức do sự khác biệt quá lớn trong các điều kiện ngừng bắn mà hai bên đưa ra. Và phải chịu khổ sau cùng là người dân.

Người dân tại Dải Gaza hiện đang phải đối mặt với những trận pháo kích dữ dội hàng ngày, với nạn đói đang có nguy cơ lan rộng khắp dải đất ven biển này, với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Chưa hết, đạn chưa nổ cũng là một mối nguy hiểm chết người không kém đang rình rập người dân ở khu vực này.

Bà Anne Héry, Giám đốc vận động của tổ chức phi chính phủ Humanity&Inclusion, cho biết: “Ở Gaza, người dân đang phải hứng chịu một trong những chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử quân sự. Theo ước tính của chúng tôi, trong suốt cuộc chiến kéo dài 5 tháng này, mỗi ngày có khoảng 500 quả đạn pháo được bắn đi”.

Khổng Hà
.
.
.