Na Uy “vớ bở” từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

Thứ Hai, 30/05/2022, 08:54

Là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn trên thế giới, Na Uy “vô tình” thu về nguồn lợi khổng lồ từ việc xuất khẩu dầu khí khi giá năng lượng toàn cầu leo thang do xung đột Nga - Ukraine. Oslo giờ đây đứng trước sức ép từ đồng minh về việc họ phải ứng xử thế nào.

Na Uy bị đồng minh gây sức ép

Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ và đồng minh phương Tây lập tức ban bố nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm các biện pháp hạn chế việc xuất khẩu dầu khí của các doanh nghiệp của Moscow, dẫn đến lo ngại nguồn cung toàn cầu thiếu hụt. Cộng với nhu cầu năng lượng phục hồi khi dịch COVID-19 được kiểm soát, giá dầu và khí đốt trên toàn cầu đã tăng chóng mặt. Cụ thể, khí đốt tự nhiên đang được giao dịch ở mức gấp 3-4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái; còn dầu Brent 3 tháng qua luôn giao dịch ở mốc giá trên 100 USD/thùng.

Trong khi phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm nền kinh tế lớn nhất là Đức, vật lộn với giá cả leo thang và đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán lạm phát, thì Na Uy, một trong những nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt hàng đầu châu Âu cũng như trên thế giới, đang hưởng nguồn lợi gia tăng đáng kể.

dan khoan dau na uy.jpg -0
 Một giàn khoan dầu lớn của Na Uy trên biển Bắc. Ảnh: Equinor

Theo dữ liệu được AP công bố hôm 28/5, Na Uy cung cấp khoảng từ 20-25% nhu cầu khí đốt tự nhiên của các nước thành viên EU, so với mốc 40% của Nga trước khi chiến sự Ukraine nổ ra. Về dầu mỏ, Na Uy khai thác được khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày, là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Tây Âu.

Chỉ tính riêng quý I, tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy, do nhà nước sở hữu phần lớn cổ phần, đã kiếm được gấp 4 lợi nhuận cùng kì năm ngoái. Khoản tiền này đã khiến chính phủ Na Uy điều chỉnh dự báo thu nhập từ các hoạt động dầu khí lên 97 tỷ USD trong năm 2022, gấp ba lần năm 2021.

Có thể khẳng định, Na Uy không đóng vai trò trực tiếp nào trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, việc quốc gia thành viên kì cựu của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này “bỏ túi” nhiều tiền hơn lúc này khiến nhiều bên không hài lòng, thậm chí gây áp lực. Trong đó, Ba Lan trở thành quốc gia đầu tiên đến lúc này lên tiếng khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hối thúc Oslo chia sẻ khoản tiền kiếm được với các quốc gia bị ảnh hưởng, nhất là Ukraine.

“Họ nên chia sẻ những khoản lợi nhuận dư thừa này. Điều này không phải là bình thường, đó là sự bất công, gián tiếp từ cuộc chiến”, ông Morawiecki nói. Thủ tướng Ba Lan thậm chí thúc giục công dân trẻ tuổi nước này nên đứng dậy và làm xấu hổ “những người bạn” Na Uy của họ về lợi nhuận từ khí đốt để thúc đẩy Oslo chia sẻ. “Hãy viết cho những người bạn trẻ của bạn ở Na Uy. Họ nên chia sẻ (lợi nhuận dầu khí) ngay lập tức”, ông kêu gọi.

Oslo ứng xử ra sao?

Na Uy có dân số chỉ khoảng 5,4 triệu người, tức ít hơn 2 lần dân số của Thủ đô Moscow của Nga. AP cho biết, phần lớn nguồn thu dầu mỏ và khí đốt của Na Uy được chuyển vào quỹ tài sản quốc gia, còn gọi là Quỹ Dầu mỏ, được mở ra từ năm 1990 để đảm bảo các thế hệ người Na Uy hiện tại và tương lai có thể phát triển ổn định ngay cả khi trữ lượng dầu khí đã cạn, hay trước bất cứ biến động lớn nào khác.

Tuy vậy, từ tháng 3/2022, các cuộc tranh luận cũng đã nổ ra ở Na Uy về việc họ sẽ sử dụng khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu khí gia tăng nhờ chiến sự Ukraine ra sao. Tại Quốc hội Na Uy, Đảng Xanh đã đề xuất xây dựng một “quỹ đoàn kết” riêng hướng tới việc tái thiết Ukraine sau khi chiến sự kết thúc, ví nó với Kế hoạch Marshall mà Mỹ đã tiến hành để giúp châu Âu tái thiết sau Thế chiến II.

“Kế hoạch Marshall là một hỗ trợ rất quan trọng cho việc tái thiết châu Âu. Nhưng nó cũng là một sự hỗ trợ quan trọng để xây dựng lại thị trường quan trọng nhất của Mỹ (là châu Âu). Chúng tôi coi điều này là tương tự, vì về cơ bản, Na Uy có lợi ích trong việc hỗ trợ xây dựng lại các nền kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là cách sử dụng thu nhập tăng thêm có lợi ích hơn là việc chỉ nạp vào tài khoản ngân hàng”, nhà lập pháp Rasmus Hansson nêu quan điểm.

Đáp lại quan điểm trên, đảng Lao động chiếm đa số trong Quốc hội Na Uy lại khẳng định: “Chính phủ Na Uy đã tham gia sâu rộng vào các nỗ lực quốc tế để cung cấp viện trợ cần thiết cho Ukraine kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra và đó không thể coi là tình huống mà chúng ta đang thu lợi”.

Sau phát ngôn của Thủ tướng Ba Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy, ông Eivind Vad Petersson đã chỉ trích động thái đó, gọi lập trường của Warsaw là “không công bằng” và “sai lầm”. Ông cho biết, dù doanh thu từ dầu khí tăng do tác động của xung đột Ukraine, nhưng giá trị Quỹ Dầu mỏ Na Uy lại đang giảm. “Khoảng 57 tỷ USD đã giảm, trong đó có lí do thị trường chứng khoán giảm. Kinh tế Na Uy và người tiêu dùng Na Uy cũng bị ảnh hưởng bởi giá điện và xăng tăng”, ông nói.

Theo quan chức Na Uy, nước này đã hỗ trợ đáng kể cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra và đang chuẩn bị làm nhiều hơn nữa, bao gồm gói viện trợ tài chính, nhân đạo và vũ khí trị giá hơn 200 triệu USD trích từ nguồn thu không phải dầu khí. AP cho biết Na Uy, với tư cách một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu, cũng đã cam kết dành 1,09% thu nhập quốc dân cho việc phát triển ở nước ngoài, bao gồm các khoản viện trợ đáng kể dành cho Ukraine.

Trở lại với những diễn biến xoay quanh Ukraine, Nga gần đây ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria vì các nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. EU đang đặt mục tiêu giảm 2/3 phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào cuối năm thông qua tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo và dùng các nguồn cung cấp thay thế. Theo lập luận của giới Thứ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy Amund Vik, thay vì tính đến chia sẻ nguồn lợi nhuận biến động từ dầu khí, Oslo có thể đóng góp nhiều hơn bằng cách trở thành nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt bền vững và ổn định cho thị trường châu Âu, điều mà EU cần nhất lúc này.

Để hiện thực hóa cam kết, Na Uy đã quyết định cấp giấy phép để các tập đoàn năng lượng có thể khai thác nhiều dầu khí hơn trong năm nay, đồng thời ưu đãi thuế với doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng năng lượng mới ở nước ngoài, bao gồm công ty đang mở đường ống dẫn khí sang Ba Lan, dự kiến hoàn tất mùa Thu tới. Ông Ola Morten Aanestad, phát ngôn viên của Equinor, cho biết: “Chúng tôi đang làm bất cứ điều gì có thể để trở thành nhà cung cấp khí đốt và năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu trong những thời điểm khó khăn. Mùa Thu trước, thị trường khá căng thẳng và thị trường lúc này thậm chí còn căng thẳng hơn”.

Theo Reuters, Equinor và các đối tác hôm 26/5 đã đệ trình phát triển mới một cụm khai thác dầu khí mới trên biển Na Uy với trị giá khoảng 940 triệu USD. Equinor tin tưởng khu vực Halten East mà tập đoàn muốn khai thác có trữ lượng khoảng 100 triệu thùng, trong đó 60% là khí đốt. Nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, chúng có thể được bổ sung vào nguồn xuất khẩu sang châu Âu vào năm 2025.

Thái Hà
.
.
.