Mỹ và NATO bác bỏ điều kiện giảm căng thẳng của Nga

Chủ Nhật, 19/12/2021, 08:19

Nga đã đưa ra 8 điều kiện bao gồm yêu cầu Mỹ và các đồng minh ngừng mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và Trung Á trong một đề xuất nhằm thiết lập một thỏa thuận an ninh, giúp hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây. Mỹ và NATO đã có những phản ứng với đề xuất của Nga.

Dự thảo thỏa thuận 8 điểm gồm phần lớn các vấn đề liên quan đến an ninh, hệ thống hóa một loạt yêu cầu đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong những tuần gần đây của quan chức Nga. Nổi bật nhất là, yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía đông, bao gồm kết nạp Ukraine và thêm các nước khác”. Nga cũng hối thúc Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu; đồng thời, rút lực lượng khỏi Ba Lan và các nước vùng Baltic, tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga…

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Đề xuất của Nga giải quyết các khía cạnh khác nhau của tình hình đáng báo động ở châu Âu, các nước NATO và Đông Âu. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải tuân theo cách tiếp cận cũng như cung cấp giải pháp toàn diện đảm bảo an ninh cho nước Nga”. Nga cũng tuyên bố, sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán an ninh với Mỹ sớm nhất ngay trong ngày 18/12. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và NATO đã lên tiếng bác bỏ một số đề xuất của Nga.

Mỹ và NATO bác bỏ điều kiện giảm căng thẳng của Nga -0
Căng thẳng Nga và phương Tây vì vấn đề Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden. Ảnh: Reuters

Washington cho biết đã nhận các đề xuất từ Moscow để bắt đầu đàm phán và đang thảo luận với đồng minh cũng như đối tác ở châu Âu. Các quan chức Mỹ nhận định, có một số điều kiện trong văn kiện mà chính người Nga biết là sẽ không thể được chấp nhận. Tuyên bố cởi mở đối thoại ngoại giao về những lo ngại an ninh của Nga, nhưng các quan chức Mỹ nhấn mạnh bất kỳ cuộc thảo luận nào cũng sẽ bao gồm những lo ngại an ninh của NATO  đối với Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, nhận định: “Nga hiện đã đặt lên bàn cân mối quan tâm của mình với các hoạt động của Mỹ và NATO. Chúng tôi sẽ đặt lên bàn cân mối lo ngại của mình với các hoạt động của Nga mà chúng tôi tin rằng gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của chúng tôi. Đó là cơ sở của sự có đi có lại nếu theo đuổi bất kỳ hình thức đối thoại nào”.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg từ chối đáp ứng đề nghị của Nga là loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine: “Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống đối thoại nhưng sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quyền của những quốc gia có chủ quyền như Ukraine trong việc lựa chọn con đường của riêng mình và trên nguyên tắc, chỉ có Ukraine và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định khi nào thì Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh”.

Hồi đấu tháng này, Ukraine đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh NATO chuẩn bị một loạt lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm răn đe Nga phát động tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, Nga sẽ phải trả “giá đắt” nếu tiếp tục leo thang, đồng thời thúc giục người đồng cấp Nga tìm một lối thoát ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Ông nhấn mạnh “nếu Nga quyết định theo đuổi đối đầu thì họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng”, và “cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng là thông qua ngoại giao”.

Về phía mình, Moscow tiếp tục cáo buộc Kiev và Washington có hành vi gây bất ổn, đồng thời tỏ ý rằng Ukraine có thể đang chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine, điều mà các nhà chức trách Ukraine mạnh mẽ phủ nhận.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “hành động khiêu khích ngày càng gia tăng và mạnh mẽ của chính quyền Ukraine” làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát các hành động thù địch. Ông cho biết, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các quan chức khác cho thấy “giới lãnh đạo Ukraine không loại trừ một kịch bản sử dụng vũ lực”. Trong khi đó, ông Denis Pushilin - người đứng đầu Cộng hòa ly khai tự xưng ở Donetsk - phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng ông có thể sẽ yêu cầu Moscow hỗ trợ nếu khu vực này đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine.

Trong bối cảnh Mỹ, Nga và Ukraine đang không ngừng cáo buộc lẫn nhau, Điện Kremlin thông báo ngày 7/12, nguyên thủ hai nước sẽ có một cuộc điện đàm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bình luận: “Đây chắc chắn sẽ là một cơ hội để thảo luận về những mối quan tâm nghiêm túc của chúng tôi về những phát biểu khoa trương, về việc triển khai quân đội ở biên giới Ukraine”. Tổng thống Mỹ Joe Biden không nói chi tiết những hành động mà ông cân nhắc.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã gặp Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 2/12 tại Thụy Điển, cho biết Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga không nói rõ về các đòn trừng phạt của Mỹ, song tuyên bố nỗ lực này sẽ không hiệu quả, nhấn mạnh Nga “sẽ đáp trả” quyết liệt những động thái này. Trong khi đó, Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết, chính quyền Mỹ sẽ tìm cách phối hợp với các đồng minh châu Âu nếu triển khai các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, ông đã nói rõ với Điện Kremlin rằng Mỹ sẽ có những động thái kiên quyết, bao gồm cả một loạt biện pháp kinh tế có tác động lớn mà Mỹ đã kiềm chế sử dụng trong quá khứ. Dù không nêu chi tiết, song các các biện pháp đang được cân nhắc, có thể là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc hồi tháng 4 để loại Nga khỏi SWIFT nếu quân đội Nga tiến vào Ukraine. Động thái này sẽ ngăn các doanh nghiệp Nga tham gia hệ thống tài chính toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên Nga nêu chi tiết các yêu cầu của mình sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine và phương Tây, với hi vọng sẽ giúp các bên tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà phân tích bày tỏ lo ngại, với những điều kiện Nga đưa ra, các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây về những “đảm bảo an ninh” có thể thất bại, mở đường cho một hành động quân sự tại Ukraine.

Khổng Hà
.
.
.