Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Philippines

Thứ Ba, 22/11/2022, 07:57

Ngày 21/11, Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Philippines, đồng minh lâu đời nhất của Washington tại châu Á. Chuyến công du đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong mối quan hệ song phương này. Giới chuyên gia nhận định, chuyến thăm của bà Harris sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết bảo vệ đồng minh. 

Sáng 21/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris tại dinh Tổng thống ở Thủ đô Manila. Theo Reuters, tại cuộc gặp, bà Harris tuyên bố rằng mối quan hệ Mỹ - Philippines là lâu dài, bền vững và cam kết của Washington với Manila về bảo đảm an ninh là “không lay chuyển”.

1.jpeg -0
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
 Nguồn: Reuters.

Đáp lại, ông Ferdinand Marcos Jr cũng tin tưởng rằng tương lai của mối quan hệ Mỹ - Philippines sẽ ngày càng sâu sắc hơn dựa trên nền tảng đồng minh lâu bền. Cha của Tổng thống Marcos Jr là cố Tổng thống Ferdinand Marcos, người cầm quyền trong hơn hai thập niên ở Philippines giai đoạn 1965-1986 cũng có mối quan hệ gần gũi với Washington. Được biết, bà Kalama Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng thăm Philippines kể từ khi ông Marcos Jr nhậm chức hồi tháng 6/2022.

Theo chương trình nghị sự, dự kiến Phó Tổng thống Harris cũng có kế hoạch gặp người đồng cấp Philippines Sara Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo các nguồn tin, Mỹ và Philippines sẽ bàn thảo về khả năng tiếp tục Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), hiệp ước quốc phòng hai nước ký kết năm 2014 mà ông Duterte từng dọa hủy bỏ.

Hiệp ước EDCA cho phép Mỹ duy trì hiện diện quân sự không thường trực tại 5 căn cứ ở Philippines qua hoạt động luân phiên của tàu, máy bay làm nhiệm vụ viện trợ nhân đạo và hoạt động an ninh hàng hải. Hiện Mỹ đề xuất bổ sung thêm một số lượng căn cứ vào thoả thuận. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez bày tỏ, chuyến thăm của bà Harris thể hiện mức độ ủng hộ của Mỹ với đồng minh lâu đời nhất ở châu Á.

Trước đó, Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ cho biết, trong chuyến công du này, bà Kalama Harris cũng sẽ thay mặt Washington, cùng phía Manila bắt đầu các cuộc đàm phán về “Thỏa thuận 123” – một thỏa thuận mở đường cho hai nước hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Theo Luật An ninh quốc gia Mỹ, thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức quan trọng trước khi hỗ trợ đối tác mở rộng hợp tác về năng lượng không phát thải, nhằm đảm bảo mục tiêu không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi có hiệu lực, “Thỏa thuận 123” cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị, vật liệu hạt nhân dân sự sang Philippines, giúp nước này tăng cường an ninh năng lượng, chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Văn phòng của bà Harris, thỏa thuận là dấu hiệu cho thấy Mỹ cam kết giải quyết các vấn đề năng lượng của Philippines. "Mỹ cam kết hợp tác với Philippines trong việc tăng cường an ninh năng lượng và triển khai công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến nhanh nhất có thể, khi các điều kiện an toàn và an ninh cho phép, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tải cơ bản lớn của Philippines. Việc triển khai sẽ hỗ trợ cả mục tiêu an ninh năng lượng và khí hậu, cũng như hỗ trợ ngườilao động và doanh nghiệp ở cả hai quốc gia", Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ nêu rõ.

Đồng thời, hai bên cũng sẽ thiết lập Đối tác Chính sách năng lượng nhằm phát triển các hình thức hợp tác năng lượng mới, gồm lập kế hoạch năng lượng ngắn hạn và dài hạn, phát triển năng lượng gió ngoài khơi, ổn định lưới điện và truyền tải điện… Hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ và Philippines đã ký bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự chiến lược, cho phép Mỹ giúp khôi phục chương trình điện hạt nhân tại Philippines.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 21/11 cũng có chuyến thăm Indonesia nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác quốc phòng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thúc đẩy tiến bộ trong các sáng kiến song phương, hỗ trợ khả năng tương tác, phát triển năng lực cũng như chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa của quân đội Indonesia. Sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua, Indonesia chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2023.

Kim Khánh (tổng hợp)
.
.
.