Mỹ-Nhật-Hàn dồn dập tập trận, Triều Tiên phản ứng ra sao?
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 29/8 thông báo khởi động cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên ở vùng biển quốc tế phía Nam bán đảo Triều Tiên.
Theo Yonhap, cuộc tập trận diễn ra ở phía Nam đảo Jeju, được thực hiện ngay sau khi nỗ lực phóng tên lửa Chollima-1 của Triều Tiên mang theo vệ tinh trinh sát quân sự lần thứ hai hôm 24/8 không thành công.
Cuộc tập trận, khởi động ngày 29/8, là cuộc tập trận mới nhất có sự tham gia của ba tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis, gồm ROKS Yulgok Yi I của Hàn Quốc, USS Benfold của Mỹ và JS Haguro của Nhật Bản.
Hải quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên, bao gồm cả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào tuần trước. Dựa theo kịch bản Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, cuộc tập trận tập trung thực hành quy trình phát hiện, theo dõi mục tiêu mô phỏng trên máy tính và chia sẻ thông tin liên quan.
Trước đó, cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên Lá chắn Tự do Ulchi đã chính thức diễn ra từ 21/8, với ), khoảng 30 sự kiện huấn luyện thực địa giữa hai nước đồng minh dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tập trận kéo dài đến 31/8.
Trong một diễn biến có liên quan, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng 29/8 đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã kêu gọi nâng cao năng lực hải quân khi ông đến thăm Bộ chỉ huy hải quân Triều Tiên, đồng thời đề cập đến các cuộc tập trận thường xuyên của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.
Trong bài phát biểu ngày 27/8 nhân kỷ niệm 74 năm thành lập hải quân Triều Tiên, ông Kim Jong-un nhận định "vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên đã bị biến thành nơi tập trung vũ khí lớn nhất thế giới, vùng biển bất ổn nhất với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân do các động thái đối đầu liều lĩnh của Mỹ và các thế lực thù địch khác".
Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, chìa khóa để nhanh chóng nâng cao năng lực tác chiến cho hải quân nước này nằm ở "thúc đẩy mạnh mẽ hiện đại hóa vũ khí và trang thiết bị", đồng thời cho biết hải quân Triều Tiên sẽ trở thành một bộ phận của lực lượng răn đe hạt nhân với nhiệm vụ chiến lược.