Mỹ gợi ý cơ chế đối thoại chiến lược mới, Nga "chưa sẵn sàng"

Thứ Tư, 25/10/2023, 19:39

Nga thông báo họ "chưa sẵn sàng" sau khi nhận được gợi ý từ phía Mỹ về việc tiến hành cơ chế đối thoại kiểm soát vũ khí chiến lược mới.

RiaNovosti hôm nay (25/10) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow đã nhận được đề xuất dưới dạng một bản ghi nhớ không chính thức từ ​​Washington nhằm nối lại đối thoại về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.

Mỹ gợi ý cơ chế đối thoại chiến lược mới, Nga
Khoảnh khắc tên lửa đạn đạo Minuteman III của Mỹ khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Military.com

"Họ đề xuất tổ chức đối thoại về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí trên cơ sở tách biệt hoàn toàn khỏi những gì đang diễn ra, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng cho việc đó", quan chức ngoại giao Nga thông tin.

Theo ông Ryabkov, Nga đang nghiên cứu các nội dung mà Mỹ gợi ý. "Chúng tôi sẽ trả lời Mỹ vào thời điểm phù hợp", ông Ryabkov nói, cho biết thêm việc nối lại đối thoại chiến lược rất khó diễn ra nếu Washington duy trì cách tiếp cận thù địch với Moscow.

Quan hệ Nga-Mỹ được thừa nhận là đang trong giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử. RiaNovosti cho biết, hầu hết các cơ chế đối thoại giữa hai nước bị cắt giảm từ sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Trong diễn biến liên quan, Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện Nga, ngày 25/10, đã thông qua dự luật thu hồi việc Nga phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), một tuần sau động thái tương tự của Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga. 

"Nếu Mỹ không thực hiện nghĩa vụ của họ (trong việc tham gia CTBT) ... thì việc Nga tham gia chẳng có ích gì", Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko phát biểu trước phiên bỏ phiếu ngày 25/10.

CTBT được 187 quốc gia ký kết, cấm các vụ thử hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường. Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia chưa phê chuẩn, trong đó có Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc. Còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia. Nga là một trong những nước đầu tiên tham gia CTBT và lưỡng viện quốc hội nước này phê chuẩn hiệp ước năm 2000.

Thái Hà
.
.
.