Mỹ gây sức ép với Israel về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 25/7 (giờ địa phương) đã gây sức ép mạnh mẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về tình hình nhân đạo ở Gaza trong các cuộc trao đổi "thẳng thắn" giữa hai bên.
"Tôi đã nêu rõ mối quan ngại nghiêm trọng của mình về tình hình nhân đạo tồi tệ ở đây. Tôi sẽ không im lặng", Reuters trích lời Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ sau cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 25/7 (giờ địa phương) về Dải Gaza.
Vài giờ trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn đối với cuộc xung đột kéo dài 9 tháng qua ở Dải Gaza, trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa ông với Thủ tướng Tel Aviv kể từ khi ông có chuyến công du đến Israel vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby, vẫn còn khoảng cách giữa Israel và phong trào Hamas trong việc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng nhấn mạnh "chúng ta hiện đã gần nhau hơn trước đây". "Cả hai bên đều phải thỏa hiệp", ông Kirby cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó ông bảo vệ các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và chỉ trích những người biểu tình chống lại Israel.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người ở phe cánh tả không hài lòng với cách ông Netanyahu tiến hành cuộc chiến khiến hơn 39.000 người Palestine thiệt mạng và đưa Gaza rơi vào thảm họa nhân đạo, bài phát biểu dài kéo dài gần 1 giờ của Thủ tướng Israel trước Quốc hội Mỹ vẫn nhấn mạnh quyết tâm của Tel Aviv sẽ "chiến đấu cho đến khi giành được chiến thắng".
Đồng thời, ông Netanyahu đã phác thảo kịch bản Gaza thời hậu chiến nhưng nhấn mạnh rằng "chúng khác với những điều khoản mà Nhà Trắng và một số nước Arab mong muốn".
Theo đó, Israel muốn "phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa" Gaza. Israel không muốn xây các khu định cư ở vùng đất này nhưng vẫn muốn duy trì trách nhiệm an ninh ở Gaza để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo.