Mỹ đạt thỏa thuận tránh nguy cơ vỡ nợ
Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và đại diện đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận sơ bộ để nâng trần nợ công, tránh tình trạng Chính phủ Mỹ vỡ nợ.
Reuters hôm nay (28/5, giờ Hà Nội) dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa xác nhận "đạt thỏa thuận sơ bộ phù hợp với người dân Mỹ" liên quan đến việc nâng trần nợ công, sau cuộc điện đàm kéo dài khoảng 90 phút cùng Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ.
Tổng thống Biden nhanh chóng xác nhận thỏa thuận với phe Cộng hòa, gọi đó là "một bước tiến quan trọng". "Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được tất cả điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền", ông Biden phát biểu.
Bước đột phá nêu trên được hai bên thống nhất sau thời gian dài bế tắc khi cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều cứng rắn trong các cuộc đàm phán trước hạn chót 5/6, ngày Bộ Tài chính Mỹ dự báo nước này sẽ vỡ nợ.
Nội dung chi tiết chưa được hoàn thiện nhưng thỏa thuận sẽ nâng trần nợ trong 2 năm. Trong thời gian đó, chính quyền Mỹ phải tìm cách thu hồi các khoản tiền hỗ trợ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh cấp phép các dự án năng lượng và cải thiện chương trình hỗ trợ người nghèo.
"Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận, dự kiến trong ngày 28/5. Hạ viện sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận vào 31/5", ông McCarthy nói với phóng viên tại Đồi Capitol.
"Thỏa thuận sẽ bao gồm nỗ lực cắt giảm chi tiêu lịch sử cùng những cải cách giúp người dân thoát nghèo, tham gia lực lượng lao động… không có thuế mới nào hết và không có chương trình nào khác dành cho chính phủ", ông McCarthy thông tin thêm.
Tổng thống Biden thì "đề nghị lưỡng viện thông qua thỏa thuận ngay khi đạt được". Một số hãng tin tiết lộ các nhà đàm phán của hai bên đã nhất trí rằng, vào năm tài khóa 2024, Mỹ sẽ duy trì chi tiêu phi quốc phòng ở mức năm 2023 và chỉ tăng thêm 1% vào năm 2025.
Lần gần nhất Mỹ trên bờ vực vỡ nợ là năm 2011. Dù lưỡng viện quốc hội Mỹ đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế Mỹ phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc nước này lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm, kéo theo một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.