Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm APEC 2023

Thứ Bảy, 19/11/2022, 17:00

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định năm APEC 2023 do nước này đăng cai sẽ thể hiện cam kết kinh tế lâu dài của Washington với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 khép lại hôm nay (19/11) tại Thái Lan với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế  trong năm APEC 2023 -0
Phó Tổng thống Mỹ nhận chiếc giỏ chalom từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: AP

Theo thông cáo chính thức được đăng tải trên website diễn đàn, lãnh đạo các nền kinh tế APEC cũng cam kết duy trì và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại dựa trên luật lệ; đánh giá cao những tiến bộ trong thúc đẩy khu vực thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương thời gian qua.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cam kết tiếp tục củng cố vị thế của APEC với vai trò diễn đàn kinh tế hàng đầu trong khu vực và là "nơi ươm mầm các ý tưởng mới".

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý thúc đẩy Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn và xanh (BCG), tập trung vào bảo vệ môi trường, giảm phát thải, đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững.

Đây là lần đầu tiên trong 4 năm, các nền kinh tế APEC tổ chức hội nghị cấp cao theo hình thức trực tiếp. Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Thái Lan đã bàn giao vị trí Chủ tịch Năm APEC cho Mỹ. Ông Prayut tặng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris một chiếc chalom - loại giỏ truyền thống của Thái Lan và mô tả nó tượng trương cho sức mạnh, sự linh hoạt và nhất quán.

Theo BangkokPost, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói rằng, hội nghị cấp cao APEC 2023 sẽ được tổ chức vào tuần giữa tháng 11/2023 tại thành phố San Francisco, bang California.

"Năm đăng cai của chúng tôi sẽ thể hiện cam kết kinh tế lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", bà nói và cho biết thêm: "Chúng tôi đang làm việc để củng cố các mối quan hệ kinh tế của mình trong toàn khu vực, bao gồm cả việc tăng cường dòng chảy thương mại hai chiều và dòng vốn tự do".

APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở. Kết nối. Cân bằng". Nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm trên mọi khía cạnh.

Trước đó, trong tuyên bố chung cấp Bộ trưởng được công bố ngày 18/11, các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá "cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu" khi giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 vừa qua đi.

Trong toàn văn tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Thái Lan công bố có đoạn nêu rõ, hầu hết các thành viên APEC đều cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine "đang gây ra nhiều đau khổ cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng mất an ninh lương thực và năng lượng".

"Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt... (Dù) APEC không phải là diễn đàn giải quyết các vấn đề an ninh, chúng tôi thừa nhận rằng các vấn đề an ninh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu", tuyên bố chung nhấn mạnh.

Thái Hà
.
.
.