Mỹ "bật đèn xanh" cho một quốc gia gia nhập NATO
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/7 (giờ địa phương) cho biết, ông “rất mong chờ” việc Thụy Điển gia nhập NATO, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đến Washington, Al Jazeera đưa tin.
“Tôi muốn nhắc lại: Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Điểm mấu chốt rất đơn giản, Thụy Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo chí trước hội đàm song phương tại Nhà Trắng ngày 5/7.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong một tuyên bố cũng kêu gọi Thụy Điển gia nhập NATO "càng sớm càng tốt", khẳng định Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có năng lực, chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu.
Thụy Điển và Phần Lan đã bắt đầu tiến trình xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, tiến trình gia nhập phải được tất cả các thành viên NATO đồng ý. Phần Lan đã chính thức gia nhập liên minh vào tháng 4, nhưng Thụy Điển vẫn đang trong quá trình chờ đợi.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia chưa phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển, với cáo buộc nước này cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho nhóm người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là "khủng bố".
Phát biểu sau cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gửi lời cảm ơn ông Biden vì “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO. “Chúng tôi tìm kiếm sự bảo vệ chung, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi có những thứ có thể đóng góp để trở thành nhà cung cấp an ninh cho toàn bộ NATO", ông nói.
Ông đồng thời cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius là "thời điểm tự nhiên" để hoàn tất nỗ lực gia nhập liên minh của quốc gia Bắc Âu này.
"Cả hai chúng tôi đều nhận thấy rằng hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius trong một tuần nữa là thời điểm rất tự nhiên để hoàn thành việc này. Nhưng cả hai chúng tôi cũng biết rằng chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đưa ra quyết định của chính Thổ Nhĩ Kỳ", ông Kristersson chia sẻ.