Mỹ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 bổ sung mũi thứ 3 vào tháng 9

Thứ Năm, 19/08/2021, 08:14

Đầu tháng này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành các sửa đổi đối với việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna để tiêm liều bổ sung cho một số đối tượng, trong bối cảnh Mỹ đang ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta.

Mỹ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 bổ sung vào tháng 9 -0
Ảnh minh họa Reuters.  

Các quan chức y tế công cộng Mỹ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) ngày 18/8 thông báo rằng chính quyền dự định triển khai sáng kiến ​​tiêm liều vaccine bổ sung, với hy vọng hạn chế hơn nữa các ca nhập viện liên quan đến COVID-19 và biến thể Delta.

Trong một tuyên bố chung, các chuyên gia y tế cho biết “sự bảo vệ từ vaccine chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 bắt đầu giảm dần theo thời gian sau khi tiêm những liều đầu tiên”. Do đó, chính phủ liên bang “chuẩn bị cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho tất cả người Mỹ bắt đầu từ ngày 20/9.

Vivek Murthy, quan chức y tế hàng đầu của Mỹ, nhấn mạnh rằng việc triển khai này vẫn đang chờ đánh giá độc lập của FDA về tính an toàn và hiệu quả của liều thứ ba của các loại vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech.

Theo kế hoạch dự kiến, những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ sẽ đủ điều kiện để tiêm nhắc lại 8 tháng sau ngày tiêm liều thứ hai của vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

Những người đủ điều kiện để tiêm được coi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi COVID-19, ví dụ như các nhân viên chăm sóc y tế, những người trong viện dưỡng lão hay người cao tuổi.

Các quan chức y tế Mỹ tin rằng những người đã tiêm vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson, loại chỉ yêu cầu tiêm một mũi, cũng sẽ cần được tiêm nhắc lại.

Việc Mỹ thúc đẩy mở rộng mũi tiêm nhắc lại COVID-19 cho những người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ diễn ra vài tuần sau khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các thành viên của tổ chức chưa vội tiêm liều bổ sung, với lý do rằng nhiều nước nghèo vẫn chưa có được mũi tiêm đầu tiên.

Lời kêu gọi này gần như ngay lập tức bị phản đối bởi một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp và Israel. Một số nước đã khuyến nghị cấp phép tiêm liều thứ ba sau khoảng thời gian là 5 tháng cho “người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế và bệnh nhân có nguy cơ cao diễn biến nghiêm trọng khi mắc COVID-19”, cũng như một số đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Duy Tiến
.
.
.