Một cơn địa chấn pháp lý

Thứ Hai, 03/04/2023, 08:47

Phóng viên Michaela Küfner của tờ Deutsche Welle (Đức) tại Washington đã dùng cụm từ này để miêu tả bản cáo trạng đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump do đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) đưa ra hồi tuần qua.

Nó được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với mức độ hoạt động độc lập của ngành tư pháp Mỹ, đồng thời, có thể giúp hoặc cản trở nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.

Lần đầu tiên trong lịch sử

Ngày 30/3 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử xứ sở cờ hoa một cựu Tổng thống Mỹ phải đối mặt với các tội danh hình sự khi trong một cuộc điều tra do Chánh biện lý quận Manhattan, ông Alvin Bragg đứng đầu, đại bồi thẩm đoàn Manhattan đã quyết định truy tố ông Donald Trump về vai trò của ông trong kế hoạch trả tiền để đổi lại "sự im lặng" của nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels vào cuối chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Khoản thanh toán 130.000 USD đã được cựu luật sư của ông Donald Trump là ông Michael Cohen trả cho bà Stormy Daniels để bà giữ im lặng về vụ ngoại tình mà bà nói là xảy ra giữa bà và cựu Tổng thống Mỹ nhiều năm trước đó. Số tiền đã được chuyển đến luật sư của nữ diễn viên nêu trên vào ngày 27/10/2016, chỉ vài ngày trước khi diễn ra ngày bầu cử năm 2016. Ngoài cáo buộc này, ông Donald Trump cũng bị điều tra về cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, trốn thuế và vi phạm luật liên quan đến tài trợ chiến dịch tranh cử.

trump.jpg -0
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong phản ứng đầu tiên, ông Donald Trump đã kịch liệt lên án bản cáo trạng, nhấn mạnh rằng đó là "cuộc đàn áp chính trị, can thiệp bầu cử ở mức cao nhất trong lịch sử" và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, những đảng viên Dân chủ "đã tham gia cuộc săn phù thủy để tiêu diệt phong trào Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố bản cáo trạng đã gửi đi một "thông điệp khủng khiếp" tới thế giới về ngành tư pháp của Mỹ và sẽ khuyến khích các nhà độc tài lạm dụng quyền lực. Ông nêu rõ: "Có những kẻ độc tài và chuyên quyền trên thế giới sẽ viện dẫn điều đó để biện minh cho việc họ lạm dụng cái gọi là hệ thống tư pháp của chính họ".

Ông nói thêm rằng, mặc dù "không ai đứng trên luật pháp, kể cả các cựu tổng thống", nhưng đối với hàng triệu người Mỹ, bản cáo trạng dường như "chẳng khác gì một vụ truy tố chính trị". Theo ông, việc buộc tội cựu tổng thống là một "sự phá hoại đối với đất nước" và sẽ chỉ gây chia rẽ.

Dựa trên thông tin có sẵn, các chuyên gia pháp lý đã xác định một số đặc điểm của vụ án có thể gây trở ngại khi các công tố viên muốn buộc tội cựu Tổng thống Mỹ. Thứ nhất, luật sư Michael Cohen không phải là nhân chứng xác đáng nhất mà công tố viên có thể tin cậy. Ông này đã cung cấp rất nhiều bằng chứng và lời khai cần thiết để đưa ra vụ án, song các nhà điều tra cũng phải mất nhiều thời gian để xác thực. Bên cạnh đó, uy tín của cựu luật sư này cũng bị giảm sút khi ông từng bị buộc tội gian lận thuế, khai man trước quốc hội, vi phạm luật tài chính vận động tranh cử.

Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Donald Trump có thể dùng đến quy định về thời hiệu - khoảng thời gian quy định được cơ quan lập pháp thông qua để ấn định thời gian tối đa sau một sự kiện mà thủ tục pháp lý có thể được bắt đầu. Trong trường hợp này, thời hiệu là 5 năm nhưng vụ trả tiền của ông Donald Trump được cho là xảy ra từ năm 2016, tức là đã 7 năm trôi qua.

Một khó khăn tiềm ẩn khác trong vụ án này là các công tố viên phải chứng minh cựu Tổng thống Donald Trump biết thỏa thuận này là bất hợp pháp. Ông Donald Trump có thể lập luận rằng ông hoàn toàn nghĩ rằng ông Michael Cohen, với tư cách là luật sư, đang thực hiện các khoản thanh toán và các thủ tục giấy tờ liên quan một cách hợp pháp.

Mặc dù phải đối mặt với các cáo buộc, nhưng một số chuyên gia pháp lý cho rằng, ông Donald Trump vẫn có thể tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng một cách hợp pháp. Ông Richard Hasen, Giáo sư luật tại Đại học California (Los Angeles) và Giáo sư Saikrishna Prakash tại trường luật của Đại học Virginia có chung ý kiến rằng, do Hiến pháp Mỹ không đòi hỏi tổng thống không bị truy tố, kết án hoặc không bị bỏ tù, nên một người đang bị truy tố hoặc đang ở trong tù vẫn có thể ra tranh cử và thậm chí có thể giữ chức vụ tổng thống.

Nhiều tiền lệ không tốt

Sau thông tin ông Donald Trump bị đại bồi thẩm đoàn Manhattan bỏ phiếu đồng ý truy tố, thị trường tiền tệ tài chính Mỹ không có thay đổi lớn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (mốc tham chiếu cho lãi suất vay vốn trên toàn cầu), vốn có thể thay đổi khi các nhà đầu tư cảm thấy rủi ro, cũng không thay đổi.

Ngoài ra, giá trị của đồng USD cũng tăng nhẹ vào ngày 31/3, một ngày sau khi ông Trump bị truy tố. Do đó, trong khi ông Donald Trump có thể vẫn giữ được sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa, các nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan và không nhận thấy nhiều bất ổn. Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý của ông Donald Trump có thể đe dọa "những con cá lớn hơn".

Theo dự đoán, ngân sách Mỹ có thể cạn kiệt trong mùa hè này và dẫn đến một viễn cảnh vỡ nợ. Mỹ có thể tránh khỏi nguy cơ này bằng cách nâng trần nợ. Để đạt được điều đó, cần có sự thống nhất giữa các chính trị gia đảng Cộng hòa và Dân chủ tại quốc hội. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump bị truy tố nhiều khả năng sẽ khoét sâu chia rẽ giữa 2 đảng phái và khiến viễn cảnh thống nhất lưỡng đảng tại quốc hội ngày càng xa tầm với.

Về mặt tư pháp, bản cáo trạng đối với ông Donald Trump có thể không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiến hành các cuộc điều tra khác đang nhắm vào ông. Trong đó, nổi bật nhất là vụ việc nhiều người quá khích ngày 6/1/2021 xông vào Điện Capitol để phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 với phần thắng nghiêng về ứng viên Joe Biden. Tuy nhiên, một vụ án hình sự liên bang nhắm vào ông Donald Trump, nếu nó được đệ trình, sẽ được các công tố viên liên bang ưu tiên giải quyết trước. Điều này đồng nghĩa các vụ án ở cấp thấp hơn có thể bị trì hoãn.

Giảng viên khoa học xã hội tại ĐH Boston (Mỹ) Andrew David nhận định, bản cáo trạng nhắm vào ông Donald Trump có tác động tích cực và cả tiêu cực đến nền tư pháp Mỹ. Theo ông, về pháp lý, việc một cựu tổng thống bị truy tố như mọi công dân có thể khiến người dân có niềm tin hơn nữa vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, việc một cựu tổng thống bị truy tố hình sự là điều chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Do đó, nó sẽ tạo ra một số vấn đề nhất định và đặt ra nhiều câu hỏi và tình huống khó xử đối với hệ thống tư pháp và có thể cản trở quá trình tố tụng.

Theo Giáo sư Jed Handelsman Shugerman của Trường Luật Fordham (Mỹ), còn quá sớm để dự báo các tác động, bởi vì hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về nội dung được nêu trong cáo trạng. Tuy nhiên, ông nói việc ông Donald Trump bị truy tố sẽ gây tổn hại cho pháp quyền, nhấn mạnh rằng việc xem xét một vụ án cũ kỹ từ 7 năm trước sẽ làm suy yếu và làm mất tính hợp pháp của các vụ truy tố quan trọng hơn nên được đưa ra. Theo ông, nếu bản án nhắm vào ông Donald Trump được chứng minh là yếu kém về cả sự thật và luật pháp, nó có thể được coi là một vụ truy tố mang tính đảng phái và có động cơ chính trị. Điều này sẽ tạo ra nhiều tiền lệ không tốt.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.