“Mồi lửa” bùng lên bất ổn tại Pháp
Tình hình bạo loạn tại Pháp đang có dấu hiệu dịu dần, minh chứng là số vụ bắt giữ giảm đáng kể, mặc dù vậy, cảnh sát nước này vẫn ở trong tình trạng báo động cao, khi giới chuyên gia e ngại những vụ bạo lực vừa qua chỉ là phần nổi của những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Pháp.
Tình hình bất ổn tại Pháp đã bước qua ngày thứ 6 liên tiếp. Trong hai ngày cuối tuần, Pháp ghi nhận 871 đám cháy, trong đó gần 600 phương tiện giao thông bị tiêu huỷ và khoảng 80 toà nhà bị đốt phá, hôi của. Gần 20 đồn cảnh sát và 10 doanh trại hiến binh tiếp tục là mục tiêu tấn công của các nhóm bạo loạn.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 3/7 thông báo, một lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi cố gắng dập tắt các phương tiện bị phóng hỏa tại một bãi đậu xe ở khu vực Seine-Saint-Denis, phía Bắc thủ đô Paris, theo France24. Ngoài ra, cảnh sát Pháp đã thực hiện 157 vụ bắt giữ trong ngày 2/7, dù ít hơn đáng kể so với hơn 700 vụ một ngày trước đó, nhưng cũng đã nâng tổng số người bị giam giữ trong tình trạng bất ổn lên hơn 3.000. Hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa cũng bị thương trong các vụ bạo lực.
Đáng chú ý, vụ việc nổi bật hàng đầu trên các trang báo Pháp trong những ngày qua là nhà riêng của Thị trưởng thành phố L'Haÿ-les-Roses ở ngoại ô Paris bị tấn công bằng xe tải khiến vợ của quan chức này bị thương nặng. Phản ứng về vụ việc, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nhấn mạnh, hành động bạo loạn đã đi quá giới hạn, không thể dung thứ và khẳng định chính phủ sẽ không cho phép bất kỳ hình thức bạo lực nào nhắm vào các cơ sở công quyền và nhà riêng của các công chức nhà nước. Bà Elisabeth Borne khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, đồng thời nhấn mạnh sẽ sớm đưa ra xét xử một số trường hợp mang tính chất án điểm để răn đe...
Các vụ biểu tình biến thành bạo loạn đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hủy chuyến thăm Đức. Tổng thống Macron cho biết 1/3 số người tham gia bạo loạn “trẻ hoặc rất trẻ tuổi”, kêu gọi các bậc phụ huynh chịu trách nhiệm về hành vi của con mình. Sau cuộc họp của cơ quan chống khủng hoảng hôm 2/7, Tổng thống Macron khẳng định sớm thiết lập lại trật tự và bình yên cho nước Pháp. Ông Macron dự kiến có cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội cùng khoảng 220 thị trưởng thành phố là mục tiêu của các hành động bạo loạn để trấn an. Nhiều chính trị gia tại Pháp đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết dân tộc, khuyến nghị chính phủ hành động giữ gìn hình ảnh của nước Pháp.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, gần 80% người dân Pháp ủng hộ hành động trấn áp bạo loạn của lực lượng cảnh sát để sớm thiết lập lại trật tự. Theo truyền thông Pháp, nước này tiếp tục triển khai 45.000 cảnh sát và hiến binh trên cả nước, trong đó riêng thủ đô Paris là 7.000 quân để ngăn ngừa bạo loạn dù tình hình được cho là đã bớt căng thẳng so với những ngày trước. Các phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị lớn như Paris, Lyon, Marseille, Toulouse, Bordeaux tiếp tục được yêu cầu dừng hoạt động từ 9h tối.
Bạo loạn đã nổ ra tại nhiều thành phố Pháp những ngày qua sau sự việc cảnh sát nước này bắn chết thiếu niên 17 tuổi gốc Algeria có tên Nahel Merzouk, tại khu dân cư Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris hôm 27/6. Theo Le Monde, cuộc điều tra về vụ việc đang được tiến hành, nhưng dù kết quả ra sao, cái chết của Nahel trở thành mồi lửa bùng lên bất ổn tại nước này. Bà của thiếu niên 17 tuổi nói trên mới đây đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình chấm dứt các hành vi quá khích. “Họ không nên phá trường học, xe bus, chính các bà mẹ là người đi xe bus. Xin mọi người ngừng gia tăng căng thẳng”, bà Nadia, người được xác định là bà của Nahel Merzouk, trả lời truyền thông Pháp ngày 2/7, khi bạo loạn ở Pháp đã diễn ra trong 5 đêm.
Cái chết của Nahel rõ ràng đã khuấy động những căng thẳng từ lâu giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi ở các khu dân cư nghèo. Nó cũng thúc đẩy lời kêu gọi xem xét lại kỹ lưỡng quy định về các trường hợp cảnh sát được nổ súng. Năm ngoái, 13 người đã thiệt mạng trong các vụ cảnh sát Pháp nổ súng do không tuân thủ mệnh lệnh khi dừng xe. Năm nay, 3 người, trong đó có cả Nahel, đã chết trong hoàn cảnh tương tự. Số người bị cảnh sát bắn chết do từ chối tuân theo mệnh lệnh đang có xu hướng gia tăng. Năm 2021, chỉ 4 người thiệt mạng trong những trường hợp như vậy.
Vụ việc cũng gợi lại ký ức về 3 tuần bạo lực lan rộng khắp các vùng ngoại ô Paris năm 2005, sau vụ hai thiếu niên bị điện giật tử vong khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp tại khu dân cư Clichy-sous-Bois gần thủ đô Pháp. Nhiều vấn đề đằng sau vụ bạo loạn đó đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí trở nên trầm trọng hơn do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa cảnh sát và người dân Pháp, giới quan sát đánh giá.
AP dẫn lời Joseph Downing, giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế và chính trị thuộc Đại học Aston của Anh, nhận định rằng một số vùng ngoại ô nghèo quanh các thành phố lớn tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua đã phải đối mặt với tình trạng bị tách biệt khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Chất lượng nhà ở và giáo dục kém kết hợp với việc bị cô lập về địa lý và nạn phân biệt chủng tộc khiến mọi người dân ở những vùng này gần như không thể có cơ hội cải thiện cuộc sống.
“Bằng chứng từ lâu đã chỉ ra rằng những người sống ở vùng ngoại ô nghèo có thể bị phân biệt đối xử vì chính nơi họ sống khi nộp đơn xin việc. Chỉ một địa danh trong hồ sơ cũng có thể khiến bạn bị tước đi cơ hội việc làm”, ông Downing cho biết.