Lũ lụt cuốn phăng cầu tại Trung Quốc, hàng chục người vẫn đang mất tích
Ít nhất 9 người đã thiệt mạng, 17 người khác mất tích và 13 người bị mắc kẹt sau khi lũ lụt tràn qua các tỉnh miền Nam và miền Đông Trung Quốc những ngày qua, China Daily đưa tin.
Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ trung tâm cứu trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt nhà nước Trung Quốc ngày 18/6 cho biết, mức độ ứng phó khẩn cấp cấp IV đã được ban hành tại ba tỉnh của Trung Quốc sau khi mưa bão dữ dội liên tục tấn công khu vực miền Nam đất nước.
Trước đó, trung tâm kiểm soát lũ lụt tỉnh Quảng Đông cuối ngày 17/6 (giờ địa phương) cho biết, nhiều khu vực ở thành phố Meizhou đã hứng chịu mưa lớn bắt đầu từ 16/6 khiến 5 người thiệt mạng, 15 người mất tích và 13 người bị mắc kẹt cho đến nay.
Sishui, một thị trấn trong tỉnh này, đã ghi nhận lượng mưa lên tới 369,3 mm trong 24 giờ. Giới chức địa phương đã phải liên tục nâng mức độ ứng phó khẩn cấp và điều động trực thăng sơ tán cũng như cung cấp đồ tiếp tế cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tại tỉnh Phúc Kiến, mưa bão lớn bắt đầu từ 14h ngày 16/6 đã ảnh hưởng đến hơn 47.800 cư dân, khiến 4 người chết và 2 người mất tích. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân và giải cứu những người bị mắc kẹt do lũ lụt.
Tại huyện Wuping thuộc tỉnh Phúc Kiến, tổng cộng 378 ngôi nhà đã bị phá hủy, 880 ha đất nông nghiệp bị ngập lụt và 73,3 km đường ở 135 đoạn chạy qua Wuping bị hư hại do lũ lụt, với thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới hơn 415 triệu nhân dân tệ (57,64 triệu USD).
“Trận lũ lụt cả thế kỷ mới có một lần đã ập đến ngôi làng”, một người dân họ Đặng ở Quảng Đông kể lại, chia sẻ thêm rằng con sông gần làng của ông đã vỡ bờ khi mực nước lên tới 5 đến 6 mét so với vạch cảnh báo.
Tại Trùng Khánh, 5 con sông, trong đó có sông Kỳ Giang, đã chứng kiến mực nước tăng ít nhất 1m kể từ cuối tuần qua do mưa xối xả, song mực nước vẫn ở mức an toàn.
Mặc dù vậy, chuyên gia khí tượng Yang Shunan cho biết các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến và Giang Tây vẫn có nguy cơ lũ lụt cũng như các thảm họa địa chất như lở đất, và mối nguy hiểm tương tự cũng tồn tại ở Quảng Đông và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.