Lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Mỹ và châu Âu

Thứ Hai, 09/09/2024, 08:06

Từ ngày 15/9, Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc xuất khẩu với 6 loại sản phẩm liên quan đến antimony, bao gồm: quặng antimony, tinh quặng, hợp kim, ô xít cũng như công nghệ luyện và tách. Quyết định trên được đưa ra sau hơn 1 năm, sau khi Bắc Kinh áp lệnh kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium, hai nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất chip. Đây là đòn giáng mạnh vào thị trường nguyên liệu hiếm toàn cầu, vốn đang trong tình trạng "khát" antimony.

Ứng dụng lớn nhất của antimony hiện nay là làm chất chống cháy, chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ trên toàn cầu vào năm 2023. Ngoài ra, antimony còn được sử dụng để sản xuất kính quang điện nhằm cải thiện hiệu suất của pin năng lượng mặt trời hoặc sản xuất ắc quy, pin axit chì.

Ngày nay, antimony ngày càng trở nên mang tính chiến lược vì sự hiện diện trong các thiết bị quân sự, như: tên lửa hồng ngoại, kính nhìn ban đêm, đạn xuyên giáp và thậm chí là vũ khí hạt nhân. Bộ Nội vụ Mỹ từ lâu đã đưa antimony và các chất liên quan vào danh sách các khoáng chất cực kỳ quan trọng.

Và dù đang bị kẹt trong mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ vẫn phải "bấm bụng" mua antimony từ nước này, với khoảng 63% lượng antimony Mỹ đang sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giá antimony đã tăng phi mã trong vài năm gần đây và đã nhiều lần chạm mức cao kỷ lục tại thị trường châu Âu. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc công bố lệnh hạn chế xuất khẩu, giá antimony đã tăng hơn 5% lên 25.000 USD/tấn, gấp đôi so với mức 12.000 USD/tấn vào cuối năm ngoái.

Lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Mỹ và châu Âu -0
Các cơ sở đang được xây dựng, thuộc sở hữu của liên doanh khai thác vàng và antimony Trung Quốc - Tajik TALCO Gold ở Tajikistan. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia phụ trách mảng an ninh khoáng chất quan trọng thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, giá antimony có thể còn tăng đến mốc 30.000 USD/tấn thời gian tới, trong khi, các nhà sản xuất antimony cho rằng, giá đã ở mức cao kỷ lục nhưng sẽ bước vào giai đoạn leo thang hơn nữa khi người ta tìm cách tích trữ nguyên liệu này. Trong khi đó, theo Cục Khảo sát địa chấn Mỹ, Trung Quốc nắm giữ thị phần lớn nhất trong hoạt động sản xuất antimony toàn cầu, ở mức 48%. Myanmar và Nga là những nhà sản xuất chủ chốt khác của loại khoáng sản này, nhưng xung đột nội bộ và lệnh trừng phạt đã gây ra mối lo ngại về nguồn cung từ hai nước trên.

Hiện, mối lo này ngày càng lớn khi xuất hiện thêm những câu hỏi xung quanh nguồn cung của Trung Quốc. Việc tìm đến các thị trường cung cấp antimony khác cũng không dễ dàng. Dù á kim này có ở nhiều nước nhưng hầu hết các nước lại chưa đầu tư quy trình khai thác, xử lý và tinh chế antimony đúng mức. Ngay chính Trung Quốc cũng đã phải mất nhiều thập niên để làm chủ được quy trình này. Dù từng khai thác antimony nhưng Mỹ cũng đã đóng cửa toàn bộ các dây chuyền từ hơn 20 năm qua do tác hại với môi trường.

Nhận xét về quyết định của Trung Quốc, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty khai thác Almonty, ông Lewis Black nhận định: "Động thái này sẽ ảnh hưởng nhiều bên trong ngành. Các khách hàng không có kế hoạch dự phòng và Trung Quốc nắm rõ điều đó. Chưa từng có kế hoạch dự phòng nào trong 30 năm qua".

Trong khi đó, ông Christopher Ecclestone, nhà hoạch định chiến lược khai thác mỏ tại Công ty tư vấn tài chính Hallgarten & Company, đánh giá: "Đó không phải chuyện Trung Quốc tắt vòi nước và bạn bật vòi lại. Đó là dấu hiệu của thời đại. Việc sử dụng antimony trong quân đội giờ như "cái đuôi điều khiển con chó". Ai cũng cần nó để sản xuất nên bên bán thấy cần đầu cơ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quân đội Mỹ và châu Âu".

Đồng quan điểm, ông Tom Moerenhout, một chuyên gia về khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia chia sẻ: "Mọi chuyện bắt đầu với gallium và germanium, nghĩa là bắt đầu với chất bán dẫn. Sau đó chuyển sang graphite, nghĩa là pin. Còn với antimony, chúng ta thực sự đã đi đến cốt lõi của ngành quốc phòng".

Đối với Mỹ và các đối tác châu Âu, động thái mới nhất của Bắc Kinh chỉ củng cố thêm tầm quan trọng của việc đa dạng hóa ra ngoài các chuỗi cung ứng khoáng sản do Trung Quốc thống trị. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh một thực tế khó chịu: Bất kể các cường quốc phương Tây có muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến đâu, họ vẫn có khả năng bị tổn thương trước các biện pháp như vậy trong tương lai gần, theo đó, đặt ra thách thức trong việc đảm bảo các nguồn cung thay thế và nguồn tài chính cần thiết.

Nhấn mạnh các biện pháp hạn chế antimony mới nhất của Trung Quốc sẽ "gióng lên hồi chuông báo động ở khắp mọi nơi", ông Mckinsey Lyon - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại của Perpetua Resources, công ty đi đầu trong việc khai thác antimony ở Mỹ - cho biết: "Điều này thực sự chứng thực những gì chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh suốt nhiều năm qua rằng, việc có một nguồn cung an toàn tại quê nhà là rất quan trọng và chúng ta sẽ dễ bị tổn thương nếu không có nguồn cung này".

Trong khi đó, chuyên gia về an ninh khoáng sản quan trọng Gracelin Baskaran tới từ CSIS nhận xét rằng, Trung Quốc chắc chắn đang nhắc nhở thế giới về sức mạnh của họ khi nói đến những mặt hàng cần thiết cho an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, và an ninh kinh tế. Về phần mình, Jane Nakano, chuyên gia an ninh năng lượng tại CSIS, nói rằng, khi Bắc Kinh tận dụng sức mạnh chuỗi cung ứng của mình, việc giải quyết thách thức khoáng sản quan trọng đã "thực sự trở thành một ưu tiên lưỡng đảng đối với Mỹ".

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Tom Moerenhout nói rằng, việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế xuất khẩu khoáng sản mới đẩy Mỹ "bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác". Ông cho biết, "Các quan chức cấp cao và chính phủ nhận ra rằng đây là vấn đề lớn đối với an ninh quốc gia, đối với công nghệ chuyển đổi năng lượng, đối với nền kinh tế kỹ thuật số, và chúng ta hoàn toàn không được phép không hành động nữa".

Tuy nhiên, việc thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp này, vốn là kết quả của nhiều thập niên nghiên cứu và đầu tư, cũng đi kèm với những thách thức riêng. Nguyên nhân là vì việc đảm bảo các chuỗi cung ứng khoáng sản mới không chỉ nằm ở vấn đề gia tăng khai thác, mà còn đòi hỏi toàn bộ hệ sinh thái tinh lọc, chế biến, và sản xuất, tất cả đều tốn kém và mất nhiều năm để xây dựng. Mỹ cũng đang vật lộn với các vấn đề trong nước của riêng mình, bao gồm tình trạng thiếu hụt nhân tài trong ngành và tình trạng chậm cấp phép kéo dài. Các công ty tư nhân tham gia ngành cũng phải chật vật trong một thị trường khét tiếng là cạnh tranh và rủi ro, và còn bị làm phức tạp thêm bởi giá cả biến động và căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, ngay cả khi có các hành động mạnh mẽ hơn, thì mọi chuyện vẫn không thể hoàn tất chỉ sau một đêm.

Chuyên gia Gracelin Baskaran kết luận: "Đây sẽ là một lời nhắc nhở thực sự mạnh mẽ đối với nước Mỹ, rằng khi xuất hiện hạn chế mới… sẽ phải cần đến nhiều năm, trước khi cơ sở trong nước thực sự có thể phản ứng với hạn chế đó".

Khổng Hà
.
.
.