Liên hợp quốc kêu gọi quốc tế trợ giúp Haiti vượt qua khủng hoảng

Thứ Ba, 11/10/2022, 08:37

Trong bối cảnh tình hình tội phạm băng đảng ở Haiti diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của người dân rơi vào khủng hoảng, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng huy động lực lượng vũ trang đặc biệt đến quốc đảo này để hỗ trợ cảnh sát ổn định tình hình.

Trong một bức thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ ngày 9/10, ông Antonio Guterres đã đề xuất hành động nhanh chóng triển khai lực lượng phản ứng để hỗ trợ quốc gia vùng Caribe đối phó tình trạng khủng hoảng an ninh sâu sắc ở nước này, vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nội dung cụ thể của bức thư chưa được công bố rộng rãi, tuy nhiên theo các hãng thông tấn như Reuters hay AP, lực lượng ứng phó sẽ nhanh chóng được triển khai hỗ trợ Cảnh sát quốc gia Haiti giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện tại.

307983028_1515171385585830_398828555197288940_n.jpg -0
Khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Haiti. Ảnh minh họa AP.  

Lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm “loại bỏ mối đe dọa do các băng nhóm vũ trang gây ra”, đồng thời khôi phục cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ quan trọng, đảm bảo “cung cấp miễn phí nước sạch, nhiên liệu, thực phẩm cũng như nguồn cung cấp y tế từ các cảng chính và sân bay đến người dân và các cơ sở chăm sóc sức khỏe”.

Ngoài ra, Tổng thư ký LHQ có thể chủ động triển khai “lực lượng bổ sung của LHQ” nhằm xúc tiến đạt được một lệnh ngừng bắn hoặc các thỏa thuận nhân đạo. Tuy vậy, lá thư cũng cho thấy LHQ sẽ chỉ tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Haiti như một “biện pháp cuối cùng” nếu cộng đồng quốc tế không có hành động cương quyết, khẩn cấp nào cùng với những nỗ lực đang được thực hiện cũng như việc áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế không thể xoay chuyển tình hình an ninh đang xấu đi nghiêm trọng tại quốc gia này. Động thái này của người đứng đầu LHQ được đưa ra sau khi Thủ tướng Haiti Ariel Henry và 18 quan chức hàng đầu nước này ngày 7/10 yêu cầu các đối tác quốc tế “triển khai ngay lập tức lực lượng vũ trang chuyên biệt, đáp ứng về số lượng”, để ngăn chặn “hành động tội phạm” của các băng nhóm có vũ trang đang hoành hành tại nước này.

Cuộc sống thường nhật của người dân ở Haiti bắt đầu rơi vào hỗn loạn và mất kiểm soát vào tháng trước, sau khi Thủ tướng Ariel Henry thông báo chính phủ sẽ ngừng trợ giá nhiên liệu khiến giá xăng và dầu diesel tăng gấp đôi, kéo theo việc tăng giá các mặt hàng khác. Bất ổn chính trị đã âm ỉ kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Haiti vào năm ngoái và vẫn chưa được giải quyết xong. Lạm phát tăng vọt khoảng 30% làm trầm trọng thêm tình hình. Kho nhiên liệu bị các băng nhóm phong tỏa đã không thể hoạt động kể từ ngày 12/9.

Đặc biệt, băng đảng mạnh nhất và khét tiếng nhất của Haiti đã thực hiện một bước quyết liệt: Đào hào để chặn lối vào cảng cung cấp nhiên liệu lớn nhất của quốc gia, thề sẽ không nhúc nhích cho đến khi ông Henry từ chức và giá nhiên liệu cũng như hàng hóa cơ bản đi xuống. Băng đảng này mới đây đã giành kiểm soát cơ sở nhiên liệu quan trọng tại thủ đô Port-au-Prince, nơi tích trữ đến 10 triệu gallon dầu diesel và xăng, hơn 800.000 gallon dầu hỏa. Nhiều trạm xăng bị đóng cửa và những trạm còn lại đang nhanh chóng cạn nguồn cung.

Việc thiếu nhiên liệu đã buộc bệnh viện phải cắt giảm hoạt động và khiến các công ty cung cấp nước đóng cửa. Ngân hàng và cửa hàng tạp hóa vật lộn để duy trì hoạt động. Giá cả cắt cổ khiến nhiều công nhân gần như không thể đi làm. Một gallon xăng có giá 30 USD trên thị trường chợ đen ở Port-au-Prince và hơn 40 USD ở các vùng nông thôn, gấp nhiều lần mức giá trung bình trên thị trường quốc tế. Những người tuyệt vọng đang phải đi bộ hàng km để có thức ăn và nước uống vì phương tiện giao thông công cộng rất hạn chế.

Theo ước tính của LHQ, các băng đảng kiểm soát khoảng 40% thủ đô Port-au-Prince. Trong nỗ lực nắm quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn, các băng đảng gây ra ngày càng nhiều các vụ bạo lực khiến hàng trăm người Haiti thiệt mạng trong những tháng gần đây, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Khoảng 20.000 người đã bị buộc phải rời khỏi bỏ nơi ở vì bạo lực. Các vụ bắt cóc đã tăng đột biến. Trong khi đó, một đợt dịch tả bùng phát tại Port-au-Prince với nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận. Các quan chức y tế cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi Haiti rơi vào khan hiếm nước uống và điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh. Theo thống kê, đã có hơn 150 trường hợp mắc bệnh tả và LHQ cũng cảnh báo đợt bùng phát đang lây lan mạnh ra ngoài thủ đô Port-au-Prince.

Làn sóng biểu tình “nóng” trở lại từ giữa tháng 9 đã khiến Pháp và Tây Ban Nha phải đóng cửa đại sứ quán. Người biểu tình tấn công cơ sở kinh doanh, nhà ở của các chính trị gia nổi tiếng và thậm chí nhà kho của Chương trình lương thực thế giới của LHQ, đánh cắp lượng thực phẩm và nước uống tiếp tế trị giá hàng triệu USD, đủ để cung cấp cho 100.000 học sinh đến cuối năm. Các cuộc biểu tình từ đó ngày càng lớn hơn. Hàng chục nghìn người gần đây đã tuần hành ở Port-au-Prince và các thành phố Gonaives, Cap-Haitien, với những khẩu hiệu kêu gọi Thủ tướng Ariel Henry từ chức.

Tình hình tại Haiti vốn dĩ có nhiều biến động trong những năm qua, tuy nhiên, mức độ tê liệt và tuyệt vọng như hiện tại là chưa từng có. Lời kêu gọi này cho thấy chính quyền tại quốc đảo Caribe đang “bó tay” với sự lớn mạnh của các băng đảng tội phạm cũng như cuộc khủng hoảng tại đây.     

Duy Tiến
.
.
.