Lệnh cấm và giá trần dầu Nga của EU có hiệu lực

Thứ Hai, 05/12/2022, 09:25

Các nước EU và G7 cấm nhập khẩu dầu Nga, đồng thời áp giá trần 60USD/thùng với hi vọng có thể ép buộc Moscow bán dầu cho các đối tác khác với ít lợi nhuận hơn.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, được thông qua trong gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu (EU) ban bố hồi tháng 6/2022, bắt đầu đi vào hiệu lực từ hôm nay (5/12). Ngoài ra, hôm nay (5/12) cũng là thời điểm giá trần 60 USD/thùng dầu Nga do EU, G7 và Australia áp đặt, có hiệu lực.

Giá trần dầu Nga của EU có hiệu lực -0
EU và G7 áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Ảnh: GettyImages

Phương Tây kiểm soát việc áp giá trần bằng cách cấm các công ty bảo hiểm, môi giới và tài chính (phần lớn có trụ sở ở Anh hoặc EU) cung cấp dịch vụ cho hoạt động vận tải dầu Nga nếu giá dầu cao hơn mức trần.

Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, với cơ chế điều chỉnh được áp dụng để giữ nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Theo dữ liệu của OilPrice, dầu Urals của Nga hiện được giao dịch ở mức giá 64,2 USD/thùng, thấp hơn 23USD/thùng so với dầu Brent tiêu chuẩn.

Theo RiaNovosti, Nga từng là nhà cung cấp dầu chính cho châu Âu. Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, khối này nhập khẩu 2,4 triệu thùng dầu thô, 1,4 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga mỗi ngày.

Để tránh gây sốc cho thị trường, EU cho phép các nước không giáp biển và phụ thuộc vào dầu Nga qua đường ống Druzhba là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp tục nhập khẩu, nhưng bị hạn chế bán lại dầu Nga cho các nước thứ 3 hoặc các nước khác trong EU.

Ngoài ra, Bulgaria được phép nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu Nga bằng đường biển tới cuối năm 2024 do "yếu tố địa lý đặc thù". Croatia được phép tiếp tục nhập khẩu dầu nhớt Nga, sản phẩm cần thiết cho các hoạt động của nhà máy lọc dầu nước này, đến cuối năm 2023.

Tờ Anadolu nhận định, lệnh cấm mới nhất sẽ giảm 90% lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang EU. Hiện chưa rõ tác động của giá trần dầu Nga với các nước ngoài G7 và EU, bởi Nga hiện cũng đang mở rộng thị trường bằng cách bán dầu cho các đối tác với giá chiết khấu "khủng".

Bên cạnh đó, dù phần lớn các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm vận tải và tài chính do phương Tây kiểm soát, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này đặt trụ sở ở Trung Quốc hay Ấn Độ, hai đối tác năng lượng lớn của Nga.

Ấn Độ và Trung Quốc hiện chưa nêu quan điểm chính thức về giá trần dầu Nga của phương Tây. Ấn Độ nhập khẩu không đáng kể dầu Nga trước ngày 24/2, nhưng đã tăng lên 900.000 thùng mỗi ngày, tính đến tháng 6/2022, theo CNN.

Việc EU cấm dầu Nga và áp giá trần được cảnh báo có thể khiến thị trường toàn cầu bị xáo trộn nguồn cung năng lượng, dẫn đến giá nhiên liệu trở lại đà tăng, trong bối cảnh các nước thuộc liên minh OPEC+ ngày 4/12 tuyên bố họ vẫn duy trì quan điểm tiếp tục cắt giảm sản lượng.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối, gồm Nga. Hồi tháng 10, OPEC+ khiến Mỹ nổi giận khi tuyên bố cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, từ tháng 11 cho tới hết năm 2023.

Đối với OPEC+, việc EU và G7 áp giá trần dầu Nga gây nhiều lo ngại, bởi nếu biện pháp đó có hiệu quả, phương Tây có thể cân nhắc sử dụng nó ở một thời điểm khác với một trong số các thành viên liên minh.

Từ Moscow, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng, việc phương Tây áp trần giá lên dầu Nga là một hành vi can thiệp thô bạo, đi ngược các nguyên tắc tự do thương mại và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.

"Chúng tôi đang vạch ra các cơ chế để cấm việc sử dụng công cụ trần giá", ông Novak nói. "Chúng tôi chỉ bán dầu và các sản phẩm cho những nước sẵn sàng làm việc cùng chúng tôi theo nguyên tắc thị trường, cho dù chúng tôi có phải giảm sản lượng".

Thái Hà
.
.
.