Lệnh cấm dầu của châu Âu khó tổn thương Nga

Thứ Sáu, 03/06/2022, 10:43

Biện pháp cấm nhập khẩu dầu của châu Âu khó gây tổn thương đến Nga trong ngắn hạn vì giá dầu tăng và bởi Moscow đang hết sức đa dạng hóa khách hàng.

Sau nhiều tuần tranh luận, Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 5 đã đồng ý về mặt nguyên tắc nhằm giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga từ giờ đến cuối năm, bước đi được xem là biện pháp trừng phạt "rắn" nhất của EU từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Lệnh cấm dầu của châu Âu khó tổn thương Nga -0
Giới chuyên gia không tin lệnh cấm của châu Âu có thể lập tức ảnh hưởng đến Nga. Ảnh: Getty Images

Theo quyết định mới, các nguồn dầu cấp từ Nga sang EU bằng đường biển sẽ bị cấm ngay lập tức, trong khi dầu vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba được miễn trừ. Hiện nay, 2/3 dầu xuất khẩu của Nga tới EU bằng đường biển.

Châu Âu là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga. Theo Eurostat, dầu thô Nga chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của khối vào năm 2021. Châu Âu tin rằng, sự cứng rắn của họ sẽ khiến Nga thiếu hụt tài chính cho chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/6 lại cảnh báo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga được xem là hành động "tự hủy diệt" của EU.

"Các nội dung chính trong gói trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga, được đồng thuận dưới khẩu hiệu chống phụ thuộc vào Nga, sẽ khiến EU tự hủy diệt. Không lạ khi Brussels mất gần một tháng để buộc các nước thành viên thể hiện sự đoàn kết "mang tính quyết định" này", phía Nga bình luận.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow sẽ chống chọi với hậu quả của các biện pháp trừng phạt đơn phương do EU áp đặt, đồng thời tuyên bố vẫn là một đối tác thương mại đáng tin cậy trên trường năng lượng toàn cầu.

Giới chuyên gia nêu quan điểm, dù hành động của EU khiến Nga mất đi khách hàng quan trọng, song khó gây tổn thương đáng kể tới Moscow trong ngắn hạn như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất ra nước ngoài, nhưng Moscow có thể bù đắp lại nhờ giá dầu tăng.

Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc, các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng.

Reuters trích dẫn dữ liệu của Refinitiv Eikon nói rằng chỉ riêng tháng vừa qua, Ấn Độ đã nhập 24 triệu thùng dầu thô của Nga, tăng từ 7,2 triệu thùng hồi tháng 4/2022 và 3 triệu thùng hồi tháng 3/2022. New Delhi dự kiến mua 28 triệu thùng trong tháng 6 tới.

Về phía châu Âu, họ có thể không mua dầu Nga, nhưng vẫn buộc phải nhập khẩu năng lượng từ các nước khác, với giá cao. Na Uy, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất Tây Âu, đã cố gắng gia tăng sản lượng, nhưng họ không thể bù đắp nguồn cung từ Nga.

Liên minh các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC hôm 2/6 đánh tiếng sẵn sàng tăng cường xuất dầu thô thêm khoảng 650.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8/2022, nhưng họ không loại trừ rằng Nga cũng sẽ là quốc gia đóng góp vào khối dầu khai thác, xuất khẩu tăng thêm.

Thiện Nhân
.
.
.