Kỳ vọng về chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ
Ngày 22/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới Singapore, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam - hai quốc gia có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.
Tiếp sau hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao khác của Mỹ tới Đông Nam Á, chuyến đi này của bà Kamala Harris được coi là lời tái khẳng định những ưu tiên của chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á, khu vực cạnh tranh địa chiến lược quan trọng.
Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái định hình chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Đánh giá Đông Nam Á là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Joe Biden đã cử nhiều quan chức chủ chốt khác trong chính quyền đến châu Á để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các đối tác, đồng minh trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tháng 7, ông Lloyd Austin cũng đến thăm Philippines, Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Indonesia, Thái Lan và Campuchia trong tháng 5 và đầu tháng 6. Vào tháng 7, bà thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ sau đó tới Trung Quốc dự cuộc đàm phán cấp cao. Chuyến thăm Singapore và Việt Nam lần này của bà Kamala Harris một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ.
Phát biểu khi lên máy bay bắt đầu thực hiện chuyến thăm, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định: "Tôi thực hiện chuyến đi này vì đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ. Các quốc gia Đông Nam Á là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ có những lợi ích liên quan đến cả an ninh, lợi ích kinh tế và gần đây là lợi ích y tế toàn cầu".
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng cũng khẳng định, chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục thể hiện cam kết của chính quyền Washington về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Chia sẻ quan điểm này, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Phil Gordon nhấn mạnh Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nêu bật cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tập trung tăng cường an ninh khu vực.
Ông nói: "Trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường vai trò của Mỹ, mở rộng hợp tác an ninh, làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế, bảo vệ trật tự dựa trên quy định quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ những giá trị của chúng ta và bạn bè, đối tác". Nhà Trắng trước đó ra tuyên bố nêu rõ, bà Harris sẽ thảo luận về các chủ đề như "an ninh khu vực, các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Đánh giá về các điểm dừng chân của Phó Tổng thống Mỹ, ông Alan Chong, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết: "Trong số 10 nước thành viên của ASEAN, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia ổn định nhất". Thông qua chuyến thăm này, Mỹ có lẽ muốn xây dựng sự liên kết chặt chẽ hơn với Đông Nam Á. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khiến nhiều quốc gia khác đặt câu hỏi về khả năng duy trì các cam kết của Washington. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo chuyên gia Alan Chong, những diễn biến nói trên lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của chuyến thăm của bà Kamala Harris. Chuyến thăm có thể giúp "trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực về cam kết của Mỹ, bất chấp việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan".
Vị chuyên gia nhấn mạnh, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có cơ hội chứng minh cho các đối tác châu Á thấy rằng "Mỹ sẽ không rút lui". Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế đối với Mỹ. "Điều đó không thay đổi bất chấp những diễn biến tại Afghanistan", quan chức này nhấn mạnh, "Mỹ là đối tác an ninh và kinh tế mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi cũng là đối tác bền vững và ngày càng gia tăng sự liên kết về an ninh với các quốc gia trong khu vực. Họ cũng muốn chúng tôi củng cố những mối quan hệ này".
Vai trò quan trọng của Singapore và Việt Nam
Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt chất bán dẫn, vaccine ngừa COVID-19 và các sản phẩm y tế khác, một trong những chủ đề chính của chuyến thăm lần này của bà Kamala Harris nhiều khả năng sẽ là xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt. Việt Nam hiện đang đóng một vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng chất bán dẫn khi ngày càng có nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo tổ chức cung cấp dữ liệu quốc tế CEIC, xuất khẩu chất bán dẫn của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng sản phẩm bán dẫn nhập vào Mỹ trong tháng 4-2021. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á của Mỹ. Hiện nay, nhiều công ty của Mỹ đã và đang đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn, tập đoàn Intel đã tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm ở Việt Nam vì coi Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Intel, ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và vận hành, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) cho biết. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang để mắt đến thị trường khổng lồ ở Mỹ. Tập đoàn Vingroup có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ dòng xe điện do công ty con VinFast sản xuất, để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về mặt hàng ôtô thân thiện với môi trường.