Khối Tây Phi họp thượng đỉnh bất thường sau hạn chót tối hậu thư với Niger

Thứ Ba, 08/08/2023, 06:42

Liên quan đến việc binh biến tại Niger, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thông báo sẽ họp thượng đỉnh về tình hình Niger trong tuần này, gần một ngày sau khi hết hạn chót tối hậu thư mà khối đưa ra.

Khối Tây Phi họp thượng đỉnh bất thường sau hạn chót tối hậu thư với Niger -0
Niger rơi vào hỗn loạn sau đảo chính. Ảnh: Reuters.

Thông cáo của ECOWAS hôm 7/8 nêu rõ: "Giới lãnh đạo cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi sẽ xem xét và thảo luận tình hình chính trị, cũng như những diễn biến gần đây tại Niger trong cuộc họp thượng đỉnh tại Thủ đô Abuja của Nigeria ngày 10/8". 

Đây là lần đầu tiên ECOWAS lên tiếng kể từ khi kết thúc hạn chót tối hậu thư mà khối đưa ra với chính quyền quân sự Niger, trong đó yêu cầu trả quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trước đêm 6/8. 

Theo nhiều chuyên gia khu vực, việc ECOWAS quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 10/8, là nhằm tạo thêm thời gian cho các nỗ lực ngoại giao xử lý cuộc khủng hoảng Niger. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia Tây Phi sẽ không phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger trước ngày 10/8.

Trước đó, giới chức ECOWAS không bình luận về thông tin Niger đóng cửa không phận. Chỉ huy quân sự cấp cao giấu tên trong ECOWAS cùng ngày thừa nhận, khối chưa sẵn sàng can thiệp quân sự vào Niger, nhưng họ sẽ tiếp tục gây áp lực với chính quyền quân sự ở nước này thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính. Khối còn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Phi, để cấm vận thương mại với Niger.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.

Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Được biết, phía Mali và Burkina Faso đã ra tuyên bố chung coi mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger là lời tuyên chiến với hai nước này. 

Kim Khánh
.
.
.