Khó xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Sáu, 10/06/2022, 09:23

Triển vọng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn dĩ khó đoán định lại càng đối mặt nhiều chông gai khi Bình Nhưỡng liên tục phóng thử các loại vũ khí, Mỹ và các đồng minh trong khu vực liên tục áp các lệnh trừng phạt mạnh tay và tiến hành tập trận răn đe.

Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 18 vụ phóng thử tên lửa, với số lượng và mật độ các vụ phóng ngày càng gia tăng. Ngày 25/5, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo và hôm 5/6, nước này tiếp tục phóng đến 8 tên lửa đạn đạo cùng một lúc. Có chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn đảm bảo các hệ thống vũ khí của họ phát triển ở mức tối đa và sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự như vậy, cho đến khi đối thoại với Washington được nối lại.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Sáng 9/6, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã phóng 8 tên lửa đất đối đất (ATACMS). Động thái này diễn ra sau khiWashington và Seoul hôm 7/6 tiến hành tập trận trên không với 20 máy bay chiến đấu. Cùng ngày, Không quân Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành tập trận chung với sự tham gia của 6 máy bay chiến đấu từ cả hai bên.

Đại diện quân đội hai nước cho biết cuộc tập trận này nhằm mục đích tăng cường hợp tác quân sự cũng như đối phó với hành vi phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Ngoài ra, những cuộc tập trận cũng thể hiện sự hợp tác chặt chẽ trong ngoài của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn đối với tất cả các tình huống có sự đe dọa từ bên thứ ba. Dù vậy, giới quan sát bày tỏ e ngại những động thái qua lại này có thể khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên xấu đi.

Khó xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên -0
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh minh họa KCNA/AP

Hôm 8/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cùng hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, Cho Yundong và Mori Takeo, đã có cuộc gặp tại Seoul nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức của thế kỷ 21. Các bên ra tuyên bố chung, trong đó lên án mạnh mẽ các “vụ phóng tên lửa đạn đạo trái phép liên tiếp của Triều Tiên”, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Các bên cũng kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và ngay lập tức ngừng các “hành động vi phạm luật pháp quốc tế, leo thang căng thẳng, gây bất ổn ở khu vực, hoặc gây nguy hiểm tới hòa bình và an ninh toàn cầu”. Thay vào đó, tham gia đối thoại hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao ba nước đồng thời nhấn mạnh, con đường tới đối thoại nghiêm túc vẫn rộng mở và kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán, bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ sớm phản hồi tích cực đối với các đề nghị quốc tế giúp nước này chống dịch bệnh COVID-19.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục thể hiện “sức nóng” trên trường quốc tế. Hôm 8/6, lần đầu tiên Đại hội đồng LHQ tổ chức phiên họp để nghe Nga và Trung Quốc giải thích lý do phủ quyết dự thảo nghị quyết hồi tháng trước về việc áp đặt thêm trừng phạt lên Triều Tiên. Trước đó, vào ngày 26/4, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ giải trình khi sử dụng quyền phủ quyết.

Giải trình tại cuộc họp, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva nhấn mạnh “sẽ là vô ích nếu mong đợi Bình Nhưỡng giải giáp vô điều kiện trước mối đe dọa từ vòng xoáy trừng phạt và việc một số nước thành lập các khối quân sự mới trong khu vực”. Bà cũng chỉ trích một số quốc gia phương Tây “không có bất kỳ phản ứng nào đối với các tình huống khủng hoảng ngoài việc đưa ra các biện pháp trừng phạt”.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cáo buộc phía Mỹ có “các chính sách lặp lại, không giữ vững kết quả của các cuộc đối thoại trước đó, không coi trọng những lo ngại chính đáng của Triều Tiên”, dẫn đến tình hình căng thẳng hiện nay. Tại phiên họp, ông Trương Quân cũng kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, theo Al Jazeera.

Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt bổ sung “là nghiêm khắc chưa từng có, vượt xa phạm trù tên lửa hạt nhân, có tác động tiêu cực đến vấn đề nhân đạo” và sẽ chỉ khiến cuộc sống của người dân nước này trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan nên giữ bình tĩnh và kiềm chế, tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và dẫn đến sai lầm.

Đại sứ Trung Quốc cũng nhận định diễn biến tiếp theo trong khu vực phần lớn phụ thuộc vào các hành động của Mỹ. Để giải quyết căn bản vấn đề Triều Tiên, cần đối thoại, tham vấn chính trị, từ bỏ việc trừng phạt, HĐBA cần đóng vai trò mang tính xây dựng và bảo vệ lợi ích an ninh của các nước trong khu vực.

Đáp lại tuyên bố từ đại diện của Nga và Trung Quốc, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Jeffrey DeLaurentis cho rằng những lời giải thích của Nga và Trung Quốc là “không đủ, không đáng tin cậy và không thuyết phục”. Về các lệnh trừng phạt, ông DeLaurentis cho rằng đó là những biện pháp nhằm đáp trả trực tiếp các hành động của Triều Tiên và cho biết Mỹ đã nhiều lần cố gắng nối lại các cuộc đàm phán bằng cách kêu gọi đối thoại cả công khai lẫn riêng tư tới Bình Nhưỡng, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, những hành động mang tính “ăn miếng trả miếng” từ các bên liên quan vẫn tiếp tục diễn ra, khiến đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên bế tắc.

Tiến Dũng
.
.
.