Khí đốt bị cắt giảm, Đức lại gặp khủng hoảng than
Các nhà máy điện ở Đức gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn than trong bối cảnh mực nước sông Rhine thấp kỉ lục, khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ.
Sông Rhine, con sông dài thứ hai ở Trung và Tây Âu (hơn 1.230km), bắt nguồn từ Thụy Sĩ, chảy qua Áo, Đức, Pháp và Hà Lan, là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa các loại mỗi năm giữa các quốc gia châu Âu.
Đối với Đức, vai trò của sông Rhine càng quan trọng hơn từ khi Berlin rục rịch tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga do tình hình ở Ukraine, bởi đây là tuyến trung chuyển than, dầu mỏ phục vụ nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp trọng yếu.
Tuy nhiên, do đợt nắng nóng kỉ lục cùng một số yếu tố khách quan khác, mực nước trên sông giảm nhanh chóng và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, Bloomberg ngày 17/7 đưa tin.
Trong số các nhà máy nhiệt điện mà Đức đang vận hành, hai nhà máy lớn đặt tại Mannheim và Karlsruhe phụ thuộc vào nguồn cung than được vận chuyển trên sông Rhine. Việc mực nước giảm khiến các sà lan vận chuyển than không thể di chuyển, khiến họ có nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu đầu vào.
Theo Bloomberg, trích dẫn số liệu từ S&P Global Commodity Insights, trong những tháng tới, Đức có thể chỉ tiếp cận được khoảng 65% nguồn cung than do các vấn đề giao thông vận tải. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng cũng được dự báo sẽ còn kéo dài.
Bên cạnh nguy cơ thiếu hụt than, mực nước sông Rhine giảm cũng khiến giá các chuyến hàng vận chuyển bằng đường sông như ngũ cốc, dầu mỏ tăng lên, kéo theo giá cả các mặt hàng khá leo thang.
Trong tháng 6/2022, Đức ghi nhận mức lạm phát 8.2%, giảm từ mức 8,7% của tháng trước đó, nhưng vẫn được đánh giá là ở mức cao kỉ lục.
Sự cố với sông Rhine là một trong những chỉ dấu khiến các chuyên gia kinh tế tin rằng Đức có nguy cơ đối mặt một cuộc khủng hoảng về năng lượng nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tiếp tục bị cắt giảm hoặc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 không vận hành đầy đủ trở lại sau thời gian bảo dưỡng.