Khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76

Thứ Tư, 22/09/2021, 09:00

Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 đã khai mạc ngày 21/9 tại thành phố New York, Mỹ. Sự kiện này thu hút sự tham dự của hơn 100 nhà lãnh đạo cùng quan chức cấp cao tới từ 132 quốc gia và được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tích cực giúp thế giới vượt qua các thách thức từ biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 đến cạnh tranh nước lớn.

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, những hạn chế nghiêm ngặt từ đeo khẩu trang đến xét nghiệm COVID-19, cùng nhiều biện pháp kiểm dịch khác đã cho thấy thách thức vô cùng lớn mà thế giới đang phải đối mặt: “Thế giới của chúng ta đang bị thử thách hơn bao giờ hết. Từ biến đổi khí hậu, xung đột đến đại dịch COVID-19, tất cả đang khiến các Mục tiêu Phát triển Bền vững trở nên xa tầm tay và rất dễ khiến chúng ta mất hi vọng. Tuy  nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ có thể đứng nhìn, vẫn có con đường để phục hồi nếu chúng ta quyết định lựa chọn”.

ttklhq.jpg -0
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: MSN

Cùng với COVID-19, khí hậu là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại kỳ họp Đại hội đồng năm nay, trong bối cảnh ngày càng nhiều những bằng chứng khoa học cho thấy thế giới có thể “thua” trong việc thực hiện mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền Công nghiệp.

Ngay trước thềm sự kiện quan trọng nhất trong năm của LHQ này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chủ trì một hội nghị về biến đổi khí hậu và đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện trách nhiệm đối với hành tinh: “Tôi nghĩ rằng Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu sắp tới sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với thế giới. Đã đến lúc chúng ta phải trưởng thành và gánh vác trách nhiệm của mình. Đây là một vấn đề đòi hỏi một sự nỗ lực và sự thay đổi. Bởi việc thực hiện những thay đổi này cũng sẽ đồng thời khuyến khích tạo ra hàng triệu công việc lương cao, kỹ năng cao theo đúng nghĩa đen”.

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ năm nay cũng chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ. Thế giới rất mong chờ những ưu tiên và tầm nhìn của nước Mỹ với vai trò dẫn dắt toàn cầu và cũng là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho LHQ.

Tuy nhiên từ cách xử lý đại dịch COVID-19 đến cuộc sơ tán hỗn loạn khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến đến sự vắng mặt của một số nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phần nào khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tín nhiệm của ông Joe Biden sau gần 1 năm nhậm chức.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, tại cuộc họp lần này, đương kim Tổng thống Mỹ sẽ đối mặt với thách thức lớn, đó là thuyết phục các đồng minh rằng, hướng tiếp cận của ông hoàn toàn khác với “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump.

Sự xuất hiện thường niên ở LHQ là một trong những cơ hội quý giá với bất kỳ nhà lãnh đạo nào nhằm tuyên bố về chính sách đối ngoại của mình mặc dù cuộc họp năm nay đã thu hẹp về quy mô do đại dịch COVID-19. Các quan chức coi bài phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng và các sự kiện bên lề khác, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh về COVID-19 ngày 22/9 và cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương ngày 24/9 là thời điểm vô cùng quan trọng cho Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy tầm nhìn về chính sách đối ngoại cũng như vạch ra những gì mà ông cho là ưu tiên của thế giới.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định thông điệp trong lần xuất hiện đầu tiên ở New York khi ông gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông nói: “Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và LHQ dựa trên những giá trị và nguyên tắc chung. Tại thời điểm này, mối quan hệ đó quan trọng hơn bao giờ hết. Nước Mỹ đã trở lại và chúng tôi tin vào LHQ cũng như những giá trị của tổ chức này”.

Trước đó, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 20/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định bài phát biểu của ông Joe Biden ở LHQ sẽ “làm rõ” việc “Tổng thống không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh mới với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. “Chúng tôi sẽ theo đuổi các lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên toàn cầu”, bà Jen Psaki bình luận. Dù vậy, sự thận trọng ngày càng gia tăng của các đồng minh với đương kim Tổng thống Mỹ và các quan chức trong chính quyền của ông vẫn chưa chấm dứt.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống tin rằng, các mối quan hệ của Mỹ đang duy trì trong nhiều thập kỷ qua và từng bước đi mà Tổng thống đưa ra kể từ khi ông ấy nhậm chức đều nhằm mục đích tái xây dựng các liên minh và các quan hệ đối tác bị lung lay trong 4 năm qua”.

Các cuộc thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng LHQ là rất quan trọng đối với vai trò của LHQ như một cơ chế đa phương để giải quyết các tranh chấp và như một biện pháp ngăn chặn xung đột vũ trang.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.