Kẻ đến sau, nhưng có thể làm thay đổi cuộc chơi
Bên cạnh vaccine, thuốc điều trị COVID-19 được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng giúp cứu thêm mạng sống của nhiều bệnh nhân. Thuốc điều trị COVID-19 có lẽ sẽ làm thay đổi cuộc chơi, giúp chúng ta tiến lên phía trước và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Molnupiravir là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống đang thử nghiệm của hãng Merck (Mỹ). Thuốc được cho là có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao.
Theo đó, Molnupiravir không tấn công protein gai của virus giống như cách các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay hoạt động, mà tấn công một enzyme mà virus sử dụng để tự sao chép mình. Nhà sản xuất thuốc Merch & Co của Mỹ nói rằng, điều đó sẽ làm cho thuốc có hiệu quả tương đương đối với các biến thể mới của virus trong tương lai.
Phó Chủ tịch Merck & Co, bà Daria Hazuda cho biết: "Một phương pháp điều trị kháng virus cho những người không được tiêm chủng, hoặc những người kém đáp ứng với miễn dịch sau khi tiêm vaccine, là một công cụ rất quan trọng giúp chấm dứt đại dịch này". Các kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho thấy, Molnupiravir có thể làm giảm khoảng 50% khả năng phải nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Theo kết quả phân tích sơ bộ về nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với 775 bệnh nhân được Merck công bố ngày 1/10, có 7,3% trong số đó được dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện trong vòng 29 ngày sau khi được điều trị, trong khi con số này ở những người dùng giả dược là 14,1%. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir trong vòng 29 ngày, trong khi ở những người dùng giả dược là 8 ca. Thử nghiệm giai đoạn 3 này được tiến hành tại hơn 170 địa điểm ở các nước và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Brazil, Italy, Nhật Bản, Nam Phi, Guatemala và Đài Loan (Trung Quốc). Tất cả 775 người tham gia thử nghiệm đều có các triệu chứng mắc COVID-19 đã được xác nhận và được phân bổ ngẫu nhiên thuốc Molnupiravir hoặc giả dược trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Những người tham gia đều chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có ít nhất một yếu tố tiềm ẩn khiến họ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng như tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì hay tuổi cao trên 60.

Trước những kết quả tích cực trên đây, Merck cùng với đối tác Ridgeback Merck và Ridgeback có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Liên danh này cũng sẽ đệ trình dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho các cơ quan quản lý thuốc, dược phẩm trên toàn cầu. Merck cho biết có thể sản xuất 10 triệu viên vào cuối tháng này, với số lượng sẽ tăng lên nhiều trong năm 2022.
Tháng 6/2021, Merck đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD với Chính phủ Mỹ, trong đó có điều khoản cung ứng 1,7 triệu liều Molnupiravir. Hồi đầu năm nay, Merck cũng tuyên bố đã ký hợp thỏa thuận tự nguyện chuyển giao cấp phép cho 5 nhà sản xuất thuốc gốc tại Ấn Độ. Mục đích chính là giúp mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị ở hơn 100 quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp sau khi Molnupiravir được phê duyệt cấp phép khẩn cấp tại các nước. Ngoài ra, Merck dự kiến sẽ triển khai chiến lược giá bán nhiều mức ở từng nước, dựa trên tiêu chí thu nhập trung bình mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.
Nếu thuận lợi, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên trên thế giới được cấp phép để điều trị COVID-19. Theo Giáo sư Peter Hotez chuyên về nhi khoa, virus học phân tử và vi sinh vật học tại Đại học Y Baylor (Mỹ), loại thuốc này sẽ tạo ra thay đổi lớn cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sau gần 2 năm bùng phát.
"Molnupiravir dường như có tác động đến quá trình lâm sàng của COVID-19, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện. Giống như Tamiflu đối với bệnh cúm, nếu mọi chuyện tiến triển thuận lợi, đây cũng có thể xem là Tamiflu cho COVID-19. Dù không ngăn ngừa hoàn toàn, song Molnupiravir làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể giúp nhiều người không phải nhập viện", Giáo sư Peter Hotez nói.
Trong khi đó, Giáo sư Penny Ward, từ Đại học King's College London, bày tỏ: "Rất hy vọng rằng lực lượng đặc nhiệm chống virus, giống như lực lượng đặc nhiệm vaccine, đã đặt hàng trước loại thuốc này. Vương quốc Anh, cuối cùng, có thể quản lý tình trạng hiện nay một cách phù hợp, bằng cách điều trị các ca nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vaccine, và giảm bớt áp lực cho lược lượng y tế NHS trong mùa đông sắp tới".
Về phần mình, Giáo sư Peter Horby, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford, nhận định rằng: "Một loại thuốc kháng virus đường uống an toàn, giá cả phải chăng và hiệu quả sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại COVID. Molnupiravir trông có vẻ hứa hẹn trong khi trong phòng thí nghiệm, nhưng thách thức thực tế là liệu nó có hiệu quả cho bệnh nhân hay không. Nhiều loại thuốc đã thất bại vào thời điểm này, vì vậy những kết quả tạm thời này rất đáng khích lệ".
Khi Merck & Co chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường thuốc điều trị dạng viên chữa COVID-19, hãng này cùng nhiều bên liên quan cũng tăng cường nỗ lực đưa sản phẩm tới các nước đang phát triển - số đang gặp khó khăn trong việc tiêm chủng vaccine cho dân chúng. Giám đốc điều hành Sáng kiến Y tế toàn cầu (Unitaid) Philippe Duneton cho biết cơ quan này cùng với các đối tác liên quan trong tuần tới dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận cung cấp những lô hàng thuốc uống trị COVID-19 Molnupiravir do Merck nghiên cứu, phát triển cho các nước có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Unitaid cũng đã thảo luận với Merck về điều khoản sản xuất thuốc gốc (generic).
Theo ông, thuốc Molnupiravir thực sự là điều cả thế giới trông đợi, hy vọng trong những tháng qua trong cuộc chiến chống đại dịch. Nó mở ra cánh cửa hy vọng về phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19 và giờ là lúc các bên cần phối hợp với nhau để giúp người dân tại các nước nghèo có điều kiện tiếp loại thuốc này. Nếu được cấp phép và đưa ra thị trường, Molnupiravir có thể sẽ là công cụ tạo ra thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19. Nhưng vấn đề nguồn cung toàn cầu tới đâu, có đạt được sự đồng đều, bình đẳng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Ví dụ như trên mặt trận vaccine, các nước thu nhập thấp rõ ràng đã bị tụt lại phía sau. 9 tháng sau khi vaccine được đưa vào tiêm chủng trên toàn cầu, vẫn có 55 nước chưa đạt độ che phủ vaccine 10% dân số. Hàng chục nước có tỉ lệ dưới 2%.
Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà y học hiện đại từng phải đối mặt. Không chỉ Merck, nhiều hãng dược phẩm cũng đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương pháp điều trị và loại thuốc có thể cứu sống người bệnh và thậm chí có thể điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Dù hầu hết đều đang ở giai đoạn đầu của nghiên cứu, song cũng có một số đã bước vào giai đoạn chứng minh hiệu quả như Favipiravir (còn được gọi là Avigan), Dexamethasone hay Interferon.
Đặc biệt trong số này phải kể đến Remdesivir do Gilead Sciences phát triển, có thể ngăn chặn virus corona sinh sôi trong tế bào. Đây cũng là loại thuốc đầu tiên và duy nhất cho đến nay được FDA phê duyệt để điều trị COVID-19. Hay Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ mới đây cũng tham gia vào đường đua khi thông báo đang thử nghiệm một loại thuốc viên chống COVID-19 và kết quả thử nghiệm dự kiến trước cuối năm nay.
Theo ông Adam Coos, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Mỹ, cùng với vaccine, các loại thuốc điều trị sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng cứu thêm mạng sống của nhiều bệnh nhân và là một chốt chặn quan trọng một khi virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức tránh được phản ứng miễn dịch ở những người đã được tiêm vaccine: "Sự sáng tạo, tài năng của con người sẽ còn tiếp tục và sẽ tạo động lực cho cuộc chiến chống COVID-19 nói riêng và tất cả các đại dịch trong tương lai nói chung. Thuốc điều trị COVID-19 có lẽ sẽ làm thay đổi cuộc chơi, giúp chúng ta tiến lên phía trước và đưa cuộc sống trở lại bình thường". Tuy nhiên, việc virus biến đổi liên tục khiến việc tìm ra loại thuốc hiệu quả vẫn là thách thức lớn đối với con người.