Ít nhất 10 người thiệt mạng vì núi lửa phun trào trong đêm ở Indonesia
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng sau khi núi lửa Lewotobi Laki-laki ở miền Đông Indonesia phun trào trong đêm 3/11 (giờ địa phương), tạo ra những dòng dung nham đỏ rực tràn xuống các khu dân cư xung quanh.
Clip của người dân ghi lại khoảnh khắc núi lửa Laki-laki phun trào gây cháy và phủ đầy tro bụi xuống khu vực xung quanh. Nguồn: News First
Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa (PVMBG) Indonesia ngày 4/11cho biết, núi lửa Lewotobi Laki-laki nằm trên đảo Flores ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun trào vào lúc 23h57 ngày 3/11 (giờ địa phương), kéo theo dung nham, tro bụi và đá nóng.
"Sau khi núi lửa phun trào đã xảy ra tình trạng mất điện, sau đó là mưa và sấm sét lớn khiến người dân hoảng loạn", ông Hadi Wijaya, đại diện PVMBG chia sẻ, thông tin thêm rằng chính quyền địa phương đã nâng mức cảnh báo của núi lửa lên mức cao nhất.
Theo Reuters, dung nham và đá nóng phun trào từ núi lửa đã tràn xuống các khu định cư gần nhất - cách miệng núi lửa khoảng 4 km, đốt cháy và làm hư hại nhà cửa của người dân.
Ông Heronimus Lamawuran, một quan chức địa phương, cho biết tính đến chiều 4/11, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và vụ phun trào đã ảnh hưởng đến 7 ngôi làng. "Chúng tôi đã bắt đầu sơ tán người dân từ sáng nay đến các ngôi làng khác cách miệng núi lửa khoảng 20 km", ông nói.
Những hình ảnh do chính quyền địa phương chia sẻ cho thấy bầu trời đêm tại khu vực núi lửa phun trào chuyển sang màu đỏ, trong khi một số ngôi nhà gỗ bắt đầu bốc cháy và người dân được đeo mặt nạ khi sơ tán. Tro núi lửa dày đặc cũng bao phủ các con đường cùng nhiều ngôi nhà.
Đáng chú ý, Người phát ngôn cơ quan thảm họa Indonesia (BNPB) Abdul Muhari xác nhận nước này đã ban hành cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ quét và dòng dung nham lạnh trong những ngày tới. Đồng thời, chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 58 ngày để sơ tán và viện trợ người dân.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một khu vực có hoạt động địa chấn mạnh trên đỉnh của nhiều mảng kiến tạo.
Núi Lewotobi Laki-laki, còn được gọi là Laki-laki, nằm trên đảo Flores ở tỉnh Nusa Tenggara, miền Đông nước này. Đợt phun trào này diễn ra sau một loạt đợt phun trào của nhiều ngọn núi lửa khác nhau ở Indonesia.
Vào tháng 5, một ngọn núi lửa trên đảo Halmahera có tên Ibu đã phun trào khiến người dân tại 7 ngôi làng phải sơ tán. Núi lửa Ruang ở Bắc Sulawesi cũng phun trào vào tháng 5 và khiến chính quyền phải sơ tán hơn 12.000 người dân.