Israel - Thổ Nhĩ Kỳ: “Cái bắt tay” sau hơn một thập kỷ
Việc cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Israel đồng loạt thông báo khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao cho thấy quan điểm đổi mới và cầu thị giữa hai bên sau nhiều năm căng thẳng, với việc hồi sinh ý tưởng khí đốt được mong đợi từ cách đây hơn 20 năm, trong bối cảnh bức tranh thế giới đang biến động khó lường.
Ngày 17/8 (giờ địa phương), văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid thông báo nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao và sẽ cử đại sứ của mỗi nước tới nước còn lại.
Thông báo có đoạn nêu rõ việc Israel nối lại quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định khu vực và là thông tin kinh tế rất tích cực cho người dân Israel, góp phần thúc đẩy liên kết giữa người dân hai nước, mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa và củng cố an ninh khu vực.
Cùng ngày, Interfax đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Yair Lapid, trong đó xác nhận Ankara sẽ sớm cử đại sứ tới Tel Aviv, nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác, đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel". Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đồng thời xác nhận việc mỗi nước cử đại sứ tới nước còn lại đóng vai trò quan trọng trong cải thiện quan hệ song phương.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel từng tốt đẹp trong giai đoạn từ năm 1949 đến 2010. Tuy nhiên, quan hệ song phương đã xấu đi kể từ năm 2010 và xuống tới mức thấp kỷ lục vào năm 2018 khi hai nước trục xuất Đại sứ của nhau, liên quan đến các vụ đụng độ giữa Israel và người Palestine tại Dải Gaza. Mãi cho đến những tháng gần đây, quan hệ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ mới manh nha dấu hiệu cải thiện trở lại. Nổi bật nhất là vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có chuyến công du đến Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu chuyến thăm Ankara chính thức đầu tiên của một Tổng thống Nhà nước Do Thái kể từ năm 2008. Phát biểu trước khi rời Israel, Tổng thống Herzog nêu rõ: “Không phải mọi thứ chúng tôi đều đồng thuận, quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm và những thời điểm khó khăn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tái khởi động mối quan hệ, vun đắp từng bước và thận trọng, với sự tôn trọng giữa hai quốc gia”. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng chuyến thăm của người đồng cấp Herzog dự báo "một kỷ nguyên mới" trong quan hệ hai nước. Vì lẽ đó, “cái bắt tay” ngày 17/8 giữa Israel lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đã được đồn đoán trong suốt thời gian qua, với những kỳ vọng của giới quan sát về việc hiện thực hóa nhiều ý tưởng hợp tác khởi sắc, nhất là về kinh tế.
Trên thực tế, động thái bình thường hóa quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh Israel đang tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, hai năm từ lúc họ kí Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Morocco. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Ankarra quan tâm hàng đầu là cải thiện quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực vì đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ kèm theo lạm phát tăng 70%. Giá đồng nội tệ lira so với USD đã mất 44%. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng mạnh, cũng làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế tại đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu này.
Sát sườn hơn, theo NY Times, Israel đang cùng các nước khác tiến hành dự án đường ống dẫn khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải đến châu Âu mà không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, theo Oded Eran, cựu đại sứ của Israel tại EU, tuyến đường vận chuyển khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ cho Israel từ lâu đã được coi là giải pháp tốt nhất có thể. Vì vậy, động thái “tan băng” quan hệ của hai nước lúc này là cần thiết, nhằm hồi sinh ý tưởng về hệ thống vận chuyển khí đốt của Israel sang châu Âu, vốn đã được thảo luận lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm. Hồi tháng 3, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng một đường ống dẫn khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ-Israel đang được thảo luận ở hậu trường như một trong những lựa chọn thay thế của châu Âu cho năng lượng của Nga. Đài RT dẫn nguồn tờ Yeni afak của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 cũng cho biết, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Israel qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu đang được coi là một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định được Reuters từng đưa ra, đó là “mỏ neo” kinh tế - thương mại, cùng với tình hình chiến sự Nga-Ukraine và những biến chuyển nối tiếp nhau xoay quanh cuộc chiến này chính là nhân tố khiến mối quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ “chuyển hướng”. Rất có thể, cái bắt tay sau hơn một thập kỷ đứt gãy giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tác động lớn tới cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu, thậm chí góp phần quan trọng vào chiến lược năng lượng của toàn châu Âu.