Iran cho phép thanh sát viên quốc tế kiểm tra cơ sở hạt nhân
Iran tự nguyện cho phép thanh sát viên IAEA kiểm tra và giám sát các cơ sở hạt nhân, động thái giúp giải toả phần nào lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran.
Thông tấn Interfax hôm nay (5/3) dẫn lời Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi xác nhận, "Iran quyết định tự nguyện cho phép IAEA thực hiện các hành động xác minh và giám sát phù hợp" tại các cơ sở hạt nhân của nước này.
Động thái của Iran được lãnh đạo IAEA công bố sau chuyến thăm Tehran cách đây hai hôm, nơi ông có các cuộc gặp với Tổng thống Iran Ibrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian và lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami.
"Các điều khoản cụ thể sẽ được thống nhất trong khuôn khổ cuộc họp mang tính kĩ thuật tới đây", ông Grossi khẳng định.
Theo một số hãng tin, Tehran nhất trí để IAEA tiếp tục vận hành các máy quay giám sát tại các cơ sở hạt nhân. Đây là động thái giải toả phần nào lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân Iran, trong bối cảnh các bên chưa tìm được cách cứu vãn thoả thuận 2015.
Từ phía Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi hy vọng IAEA không bị các cường quốc ảnh hưởng. Ông Raisi cũng đề cập tới việc Iran mong muốn sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế.
Trong những tháng gần đây, IAEA đã phàn nàn về việc Iran thiếu hợp tác với cơ quan này. Tháng 11/2022, IAEA đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran hợp tác điều tra các dấu vết hạt nhân tại một số cơ sở chưa được công bố.
Báo cáo hồi cuối tháng 2/2023 của IAEA cho thấy, các thanh sát viên đã phát hiện dấu vết nguyên liệu uranium có độ tinh khiết 83,7% tại máy ly tâm tiên tiến ở nhà máy Fordow, nơi Tehran tuyên bố họ đang làm giàu uranium ở cấp độ 60%.
Hôm giữa tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho rằng, Iran đã đạt được những bước tiến đáng kể về công nghệ hạt nhân và có thể chế tạo đủ nguyên liệu phân hạch cho bom nguyên tử trong vòng 12 ngày, thay vì 12 tháng như trước.
Tehran nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và phục vụ hoạt động dân sự, chưa bao giờ có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, uranium làm giàu ở mức 60% vẫn cao hơn nhiều giới hạn cho phép trong thoả thuận 2015 là 3,67%.