Iran-Arab Saudi: Đã đến lúc xích lại gần nhau
Ngày 6/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Arab Saudi Hoàng tử Faisal bin Farhan đã gặp nhau tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên của lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước trong hơn 7 năm, trong một nỗ lực hàn gắn quan hệ ngày càng rõ ràng giữa hai bên.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iran, Ngoại trưởng hai nước đã trao đổi về nhiều vấn đề với trọng tâm là chính thức nối lại quan hệ song phương, cũng như các bước chuẩn bị mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao, gồm đại sứ quán sẽ được mở ở Riyadh và Tehran và các lãnh sự quán ở Jeddah và Mashhad.
"Các nhóm chuyên viên sẽ tiếp tục phối hợp để xem xét các cách mở rộng hợp tác bao gồm nối lại các chuyến bay và các chuyến thăm song phương của các phái đoàn chính thức và khu vực tư nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực cho công dân hai nước", tuyên bố chung giữa Ngoại trưởng Iran và Arab Saudi cho biết. Reuters nhận định, đây là bước tiến mở ra nhiều triển vọng nhất cho đến nay sau nhiều năm thù địch giữa hai nước láng giềng vốn từng dẫn đến xung đột trên khắp Trung Đông.
"Hai bên nhấn mạnh sự sẵn sàng loại bỏ mọi trở ngại đối với việc mở rộng hợp tác song phương", tuyên bố nêu rõ. Cũng theo tuyên bố, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận đã ký kết theo cách mở rộng lòng tin lẫn nhau cùng các lĩnh vực hợp tác, đồng thời giúp tạo ra an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Cuộc họp ngày 6/4 là cuộc họp song phương cấp cao nhất của các quan chức Iran và Arab Saudi trong hơn 7 năm qua, diễn ra chỉ vài tuần sau khi hai nước nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao với việc ký kết một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian hôm 10/3, chấm dứt rạn nứt kéo dài giữa hai nước lớn ở Trung Đông.
Trên thực tế, Iran và Arab Saudi là hai quốc gia theo hai dòng giáo phái lớn của đạo Hồi là Shi'ite và Sunni. Tại Trung Đông, sự kết hợp mạnh mẽ giữa tôn giáo và chính trị đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa người Hồi giáo Shi'ite của Iran và người Hồi giáo Sunni ở Arab Saudi.
Năm 2016, quan hệ ngoại giao giữa Iran và Arab Saudi bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Arab Saudi tại nước này, liên quan việc Riyadh hành quyết giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr. Arab Saudi đã cắt đứt quan hệ với Iran, yêu cầu các nhà ngoại giao Iran rời đi trong vòng 48 giờ đồng thời sơ tán toàn bộ nhân viên đại sứ quán Arab Saudi tại Tehran. Mâu thuẫn càng thêm sâu sắc khi hai quốc gia này thường ủng hộ các bên đối lập nhau trong khu vực. Arab Saudi trang bị và hỗ trợ lực lượng muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Iran cung cấp cho ông Assad sự hỗ trợ quân sự cần thiết để tiếp tục cầm quyền.
Tại Yemen, Iran và Arab Saudi đều chiến đấu trong một cuộc xung đột ủy nhiệm suốt 8 năm qua khi Tehran ủng hộ lực lượng Houthi còn liên minh do Arab Saudi dẫn đầu ủng hộ lực lượng chính phủ, gây ra hậu quả mà Liên hợp quốc mô tả là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Tại Iraq, Riyadh và Tehran ủng hộ các chính trị gia đối lập nhau và tìm cách kiểm soát các cơ quan chính phủ. Tehran cũng bị cáo buộc có liên hệ với lực lượng tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở sản xuất dầu của Arab Saudi.
Tuy nhiên, Iran và Arab Saudi cũng đồng thời là hai nước lớn trong khu vực, có nhiều ảnh hưởng cả về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự. Việc giảm căng thẳng, nối lại đàm phán, hàn gắn quan hệ giữa hai bên được coi là vấn đề rất quan trọng bởi tác động sâu rộng của nó đến khu vực. Al Jareeza đánh giá, Arab Saudi và Iran đều là trung tâm của an ninh khu vực, vì vậy việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao có thể góp phần ổn định toàn bộ Trung Đông.
Đồng thời, động thái khôi phục quan hệ giữa Arab Saudi và Iran dường như cũng phản ánh việc mỗi quốc gia đang đánh giá lại chiến lược và lập trường của mình. Iran đang ở trong bối cảnh bị nhiều nước trên thế giới cô lập, còn Arab Saudi thay đổi đường lối đối ngoại ủng hộ ngoại giao thay vì đối đầu. Vì thế, việc đối thoại thay đối đầu là xu hướng mà cả hai bên đều không thể phủ nhận.
Để cải thiện quan hệ song phương và giảm bớt căng thẳng trong khu vực, Iraq đã tổ chức 4 vòng đàm phán trực tiếp giữa Iran và Arab Saudi trong năm 2021 và vòng đàm phán thứ 5 vào tháng 4 năm ngoái. Song, với sự tham gia tích cực của nhà trung gian hòa giải Trung Quốc, tiếng nói chung cuối cùng đã được tìm thấy giữa hai bên, đánh dấu một thành công ngoại giao bất ngờ từ cái bắt tay ngày 10/3 đến cuộc gặp mặt ngày 6/4.
Trao đổi với báo chí, Ngoại trưởng Iran Ami-Abdollahian cho biết cuộc gặp với người đồng cấp Arab Saudi là "tốt đẹp và hướng tới tương lai". Thỏa thuận nối lại quan hệ giữa hai cường quốc từng là đối thủ trong khu vực sẽ đem lại niềm hy vọng mới, mở ra hướng giải quyết cho các cuộc xung đột và bất đồng kéo dài tại Syria hay Yemen. Mối quan hệ trong khối Arab với những bảo đảm về an ninh cũng sẽ có cơ hội được cải thiện, giúp tìm ra giải pháp cho một nền hòa bình bền vững của Trung Đông. Điều dư luận quốc tế quan tâm hiện nay sẽ là cách hai bên đi tìm tiếng nói chung trong những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, bao gồm cả các chương trình quân sự và hạt nhân.