IAEA phê duyệt kế hoạch xả nước có phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản

Thứ Ba, 04/07/2023, 19:17

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá kế hoạch xả nước có phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản ra Thái Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Guardian hôm nay (4/7) cho biết IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ), đã phê duyệt kế hoạch của Nhật Bản về việc xả hơn một triệu tấn nước phóng xạ đã được xử lý, có nguồn gốc liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ra Thái Bình Dương.

IAEA phê duyệt kế hoạch xả nước có phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản -0
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi (trái) trao báo cáo đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra biển của Nhật Bản cho Thủ tướng Fumio Kishida tại Tokyo ngày 4/7. Ảnh: IAEA

Theo báo cáo của IAEA, số nước nêu trên có "tác động phóng xạ không đáng kể với con người và môi trường". IAEA đánh giá kế hoạch của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của quốc tế.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cùng ngày đã trao báo cáo của quá trình đánh giá kéo dài 2 năm cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ông Grossi khẳng định, IAEA sẽ có mặt liên tục và "đánh giá một cách công bằng, độc lập và khách quan trong và sau giai đoạn xả thải".

Thủ tướng Nhật Bản Kishida, trong khi đó, cam kết Tokyo sẽ "tiếp tục đưa ra giải thích đến người dân và cộng đồng quốc tế một cách chân thành, dựa trên cơ sở khoa học và mức độ minh bạch cao".

IAEA phê duyệt kế hoạch xả nước có phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản -0
Các bồn chứa nước có phóng xạ gần nhà máy Fukushima. Ảnh: Nikkei

Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng thảm họa động đất và sóng thần, khiến một phần nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy. Giới chức Nhật Bản sau đó sử dụng hơn một triệu tấn nước để làm mát các thanh nhiên liệu tan chảy. Số nước trên được lưu trữ trong các bể chứa khổng lồ gần hiện trường.

Nhật Bản những năm qua cố gắng xử lý số nước trên và thành công loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium, một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước.

Tritium được xem là tương đối vô hại vì nó không phát ra đủ năng lượng để thâm nhập vào da người. Tuy nhiên, khi đi vào cơ thể qua đường ăn uống, ví dụ như qua hải sản nhiễm tritium, nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư, một bài báo khoa học của Mỹ cho biết vào năm 2014, Guardian trích dẫn.

IAEA phê duyệt kế hoạch xả nước có phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản -0
Tàu của nhà chức trách Nhật Bản cố gắng kiểm soát đám cháy tại nhà máy Fukushima hồi năm 2011. Ảnh: GettyImages

Theo Guardian, số nước đã qua xử lý sẽ được pha loãng với nước biển để nồng độ tritium xuống thấp hơn mức cho phép theo các quy định quốc tế trước xả ra khu vực cách bờ biển Nhật Bản khoảng một km thông qua một đường hầm dưới biển. Việc xả nước dự kiến mất từ ​​30 đến 40 năm.

Dù được IAEA phê duyệt, nhưng kế hoạch của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối từ một số nước láng giềng và cả ngư dân trong nước.

Trung Quốc cách đây không lâu chỉ trích kế hoạch của Nhật Bản là "thiếu trách nhiệm". Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Tokyo "nghiêm túc xem xét các mối quan tâm quốc tế và trong nước, ngừng tiến hành kế hoạch xả thải cưỡng bức ra biển" và "chịu sự giám sát chặt chẽ của quốc tế".

Guardian thông tin, cộng đồng ngư dân địa phương của Nhật Bản rất không hài lòng với kế hoạch xả nước phóng xạ, cho rằng động thái như vậy sẽ phá hủy nỗ lực xây dựng lại ngành công nghiệp khai thác hải sản hơn một thập kỉ qua do nguy cơ khách hàng quay lưng và giá cả giảm sút.

Thái Hà
.
.
.