Hungary bất ngờ "bật đèn xanh" để Phần Lan và Thụy Điển vào NATO
"Hungary chắc chắn ủng hộ họ (Phần Lan và Thụy Điển) gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính phủ chúng tôi ủng hộ và quốc hội cũng sẽ nhất trí", Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 24/11 cho biết, nước này sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp của nhóm 4 nước Trung Âu Visegrad (Liên minh 4 quốc gia Trung Âu gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia) ở Slovakia, ông Orban nêu rõ rằng chính phủ Hungary ủng hộ việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Do vậy, quốc hội nước này sẽ đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự tại phiên họp đầu tiên của năm mới, dự kiến là tháng 2/2023.
Trước đó, chính phủ Hungary đã đệ trình luật phê duyệt tư cách thành viên NATO của Phần Lan, Thụy Điển hồi tháng 7, nhưng quốc hội, trong đó đảng Fidesz cầm quyền của ông Orban chiếm đa số 2/3, vẫn chưa đưa ra dự luật để tranh luận và thông qua.
Hồi tháng 5, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong số 30 thành viên NATO, hiện chỉ còn Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là chưa phê chuẩn tư cách thành viên cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh này. Việc trì hoãn của Budapest đã khiến các thành viên còn lại của Visegrad tức giận.
Hôm 23/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cam kết với người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin rằng ông sẽ giúp thuyết phục Thủ tướng Viktor Orban sớm hoàn thành việc phê duyệt, vì ông khẳng định "điều này rất quan trọng đối với khu vực sườn phía Đông của chúng tôi".
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, hồi đầu tháng 11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh nếu không thực hiện "bước đi" cần thiết trong việc giải quyết các yêu cầu của Ankara về trục xuất, dẫn độ nghi phạm khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia này.
Được biết, Ankara cáo buộc hai nước này cung cấp nơi trú ẩn cho các tay súng người Kurd, đặc biệt là thành viên đảng Công nhân Người Kurd, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.