Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Khác biệt xen lẫn đồng thuận

Thứ Sáu, 14/07/2023, 07:33

Lãnh đạo các nước thành viên liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra loạt quyết định quan trọng sau hội nghị thượng đỉnh ở Litva nhưng vẫn còn nhiều khác biệt chưa được hóa giải liên quan đến vấn đề Ukraine hay việc mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một trong những đồng thuận đáng kể nhất mà NATO đạt được sau hai ngày họp thượng đỉnh (11 và 12/7) ở thủ đô Vilnius của Litva là việc khối quân sự do Mỹ dẫn đầu này đã đạt thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Theo kế hoạch nêu trên, NATO đặt mục tiêu sẵn sàng triển khai 300.000 binh sĩ ở mức độ sẵn sàng cao ở biên giới phía Đông của liên minh, AP đưa tin.

Khối cũng nhất trí một kế hoạch hành động tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí, đồng thời cam kết sớm đạt mức chi tiêu quân sự 2% GDP. "Hòa bình ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương đã bị phá vỡ. Cùng nhau, các kế hoạch trên sẽ cải thiện đáng kể khả năng và sự sẵn sàng của khối trong ngăn chặn và phòng thủ trước các mối đe dọa, kể cả trong thời gian ngắn hoặc khi không có bất cứ thông báo trước nào", tuyên bố của lãnh đạo NATO có đoạn.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Khác biệt xen lẫn đồng thuận -0
Lãnh đạo các nước NATO tham gia cuộc họp ở Litva. Ảnh: PA Wire

Về kế hoạch kết nạp thêm thành viên mới, NATO đạt tiến bộ đáng kể khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhất trí ủng hộ Thụy Điển sớm gia nhập liên minh và cam kết chuyển đề nghị phê chuẩn tới quốc hội để thông qua. Giới quan sát tin rằng, Stockholm có thể đứng trong hàng ngũ liên minh ngay trong năm 2023 nếu quá trình kết nạp diễn ra thuận lợi. Đổi lại cái gật đầu của ông Erdogan, Thụy Điển đã đáp ứng một loạt yêu cầu của Ankara xung quanh vấn đề người Kurd. Bên cạnh đó, các nước NATO trong Liên minh châu Âu (EU) được cho là cũng chịu áp lực "nới tay" với Thổ Nhĩ Kỳ về nguyện vọng gia nhập EU của Ankara. "Hãy mở đường để Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên EU và sau đó chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển (vào NATO), như cách chúng tôi làm với Phần Lan", ông Erdogan nói.

Khác với trường hợp Thụy Điển, NATO còn nhiều tranh cãi trong nội bộ liên minh xung quanh mong muốn gia nhập liên minh của Ukraine. Trên thực tế, không quốc gia NATO nào công khai phản đối việc Ukraine có thể trở thành thành viên liên minh trong tương lai, nhưng thủ tục và thời gian cho tiến trình này không được làm rõ tại hội nghị ở Litva. Theo New York Times, một số quốc gia Trung Âu muốn NATO nêu cam kết cụ thể hơn về tiến trình kết nạp Ukraine. Với thái độ thận trọng hơn, Mỹ và Đức thể hiện sự chưa sẵn sàng vì lo ngại phản ứng mạnh của Nga, kể cả trong trường hợp diễn biến trên chiến trường có lợi cho Ukraine.

"Tôi không nghĩ rằng NATO đạt đồng thuận về việc kết nạp Ukraine vào thời điểm cuộc chiến chưa kết thúc", Tổng thống Mỹ Joe Biden từng phát biểu. Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nêu rõ: "Chúng ta có thể hỗ trợ Ukraine nhưng phải đứng ngoài cuộc chiến này. Chúng ta đã duy trì hành động cân bằng một cách khéo léo trong suốt 17 tháng vừa qua vì lợi ích của tất cả mọi người".

NATO chưa có tiền lệ kết nạp một quốc gia đang ghi nhận xung đột vũ trang. Trong động thái được mô tả là nhằm "bù đắp" cho Ukraine, lãnh đạo các nước Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), gồm 6 thành viên NATO chủ chốt là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada cùng Nhật Bản (khách mời của hội nghị NATO) đã công bố ngay tại Litva một cơ chế khung hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay và mở đường đảm bảo an ninh dài hạn cho Kiev sau khi chiến sự kết thúc. Cơ chế khung đó có những cam kết mạnh mẽ về việc G7 sẽ cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại, huấn luyện quân sự, chia sẻ thông tin tình báo. Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris sẽ viện trợ Ukraine tên lửa tầm xa SCALP đạt tầm bắn đến 250km; còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu Euro.

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả động thái của G7 là một "chiến thắng an ninh quan trọng cho Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bày tỏ hoài nghi và nói ông muốn xem "chi tiết cũng như cái giá" của các cam kết của G7, RT dẫn lời. Theo tuyên bố chung của lãnh đạo G7, các nội dung về hỗ trợ chi tiết của từng nước đối với Ukraine sẽ cần được cụ thể hóa trong các thỏa thuận song phương. Từ Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo "bằng cách cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, G7 sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và khiến châu Âu nguy hiểm hơn trong nhiều năm tới".

Về chủ đề mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông cáo chung của NATO lần đầu tiên đề cập rằng, các diễn biến tại khu vực này "có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương". Đây cũng là năm thứ hai NATO mời 4 đối tác chủ chốt ở khu vực là Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand tham dự hội nghị thượng định. Tuy nhiên, Nikkei đánh giá NATO "vẫn còn những khác biệt về cách tiếp cận" xung quanh chủ đề trên. Hồi đầu năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu khả năng NATO mở văn phòng liên lạc ở Tokyo trong nỗ lực tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực. Nội dung này đã được thảo luận qua một số vòng nhưng cuối cùng bị lược bỏ khỏi thông cáo cuối cùng của hội nghị do "những lo ngại như thách thức an ninh mạng vượt quá phạm vi địa lý, hay các nước đồng minh vẫn chia rẽ về việc mở rộng ảnh hưởng của NATO". Theo Nikkei, Pháp không nhất trí với kế hoạch trên do nó còn có thể phát đi tín hiệu không phù hợp tới Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác ở khu vực.

Thái Hà
.
.
.